Đạo đức học

Ý tưởng về một công cuộc phê phán lý tính thực hành

 

Ý TƯỞNG VỀ MỘT CÔNG CUỘC

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THỰC HÀNH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

Bùi Văn Nam Sơn dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 19-21. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả.


 

Sử dụng lý tính một cách lý thuyết là làm việc với những đối tượng của quan năng đơn thuần nhận thức, và một sự Phê phán lý tính về phương diện sử dụng này chỉ đụng chạm đến quan năng nhận thức thuần túy, vì quan năng này gợi lên sự nghi ngờ – và sau đó, được xác nhận – là rất dễ vượt ra khỏi những ranh giới của mình và bị lạc lối trong những đối tượng không thể nào vươn đến nổi hay trong những khái niệm mâu thuẫn với nhau. Nhưng, với sự sử dụng lý tính một cách thực hành, tình hình lại hoàn toàn khác. Trong việc sử dụng này, lý tính làm việc với những cơ sở quy định của ý chí (Willen); mà ý chí là một quan năng tạo ra những đối tượng tương ứng với những biểu tượng hoặc quy định bản thân ta trong việc tác động đến những đối tượng ấy (bất kể năng lực thể chất của ta có đủ hay không), nghĩa là, quy định tính nhân quả của chính ta. Bởi vì ở đây, lý tính chí ít cũng có thể đi đến chỗ trở thành sự quy định ý chí và, trong chừng mực chỉ liên quan đến ý chí thì lúc nào cũng có được tính thực tại khách quan. Do đó, câu hỏi đầu tiên ở đây là: liệu lý tính thuần túy chỉ cần dựa vào bản thân mình là đủ để quy định ý chí hay liệu nó chỉ có thể làm điều ấy khi dựa trên các điều kiện thường nghiệm? Ở đây xuất hiện ngay một khái niệm về tính nhân quả – vốn được sự Phê phán lý tính thuần túy biện minh, mặc dù không thể chứng minh một cách thường nghiệm – đó là khái niệm nhân quả của sự Tự do; và bây giờ, nếu ta có thể phát hiện được các cơ sở để chứng minh rằng đặc tính này [sự Tự do] là thật sự thuộc về ý chí con người (và, như thế, là cũng thuộc về ý chí của mọi hữu thể có lý tính), thì ta sẽ không chỉ chứng minh được rằng lý tính thuần túy có thể trở thành thực hành mà còn chứng minh rằng: chỉ duy có lý tính thuần túy chứ không phải lý tính thường nghiệm-hữu hạn mới là có tính thực hành một cách vô-điều kiện [không thể nghi ngờ]. Vì thế, ta sẽ không cần phải tiến hành một sự Phê phán đối với lý tính thuần túy thực hành mà chỉ đối với lý tính thực hành nói chung mà thôi. Lý do: một khi đã chứng minh được rằng quả có lý tính thuần túy thì không việc gì phải phê phán nó cả. Bởi lẽ chính bản thân lý tính mang theo mình chuẩn mực (Richtschnur) để phê phán mọi sự sử dụng về nó. Do đó, sự Phê phán lý tính thực hành nói chung có nhiệm vụ bắt buộc là phải ngăn chặn không cho phép lý tính thường nghiệm-có-điều kiện có yêu sách là kẻ duy nhất đề ra cơ sở quy định cho ý chí. Nếu chứng minh được rằng có một lý tính thuần túy thì sự sử dụng nó chỉ có tính nội tại (immanent) mà thôi; còn việc sử dụng thường nghiệm-có điều kiện lại yêu sách đòi độc quyền thống trị thì, ngược lại, có tính siêu việt (transzendent), thể hiện trong những đòi hỏi và điều lệnh hoàn toàn vượt ra khỏi phạm vi của nó. | Đây là điều trái ngược hẳn lại so với những gì đã có thể nói về lý tính thuần túy trong việc sử dụng tư biện về nó.

Tuy nhiên, vì lẽ lúc nào nó cũng vẫn là lý tính thuần túy, và nhận thức về nó ở đây là cơ sở cho việc sử dụng thực hành về nó, nên phác đồ khái quát về việc phân chia nội dung của một công cuộc Phê phán lý tính thực hành cũng được sắp xếp tương ứng với việc phân chia nội dung của công cuộc Phê phán lý tính tư biện. Như vậy, ta có phần “Học thuyết cơ bản” [về các yếu tố của nhận thức] (Elementarlehre) và phần Học thuyết về phương pháp hay Phương pháp luận (Methodenlehre). | Trong phần Học thuyết cơ bản, ta chia ra thành Phân tích pháp (Analytik) như là quy tắc của chân lý và Biện chứng pháp (Dialektik) như là việc trình bày và giải quyết ảo tượng trong các phán đoán của lý tính thực hành. Chỉ có điều: trình tự trong phần Phân tích pháp sẽ đảo ngược so với phần Phân tích pháp trong Phê phán lý tính thuần túy tư biện. Vì ở đây, ta bắt đầu đi từ các Nguyên tắc tiến tới các khái niệm, và rồi từ các khái niệm, nếu có thể, mới đi đến các giác quan, trong khi đối với lý tính tư biện, ta đã bắt đầu với các giác quan [nhận thức cảm tính] và kết thúc ở các Nguyên tắc. Lý do của sự khác biệt này lại chính là ở chỗ: ở đây, ta phải làm việc với một ý chí và xem xét lý tính không phải trong mối quan hệ của nó với những đối tượng mà với ý chí này và với tính nhân quả của nó. | Vì thế, ta phải bắt đầu với các Nguyên tắc của tính nhân quả vô-điều kiện về mặt thường nghiệm, sau đó mới có thể tiến hành xác lập các khái niệm của ta về các cơ sở quy định cho một ý chí như thế, cũng như cho việc áp dụng các khái niệm ấy vào cho những đối tượng và sau cùng, áp dụng vào cho chủ thể và cảm năng [quan năng cảm tính] của chủ thể. Ta phải nhất thiết bắt đầu với quy luật về tính nhân quả từ sự Tự do, nghĩa là, bắt đầu với một Nguyên tắc thuần túy thực hành và Nguyên tắc này sẽ quy định những đối tượng duy nhất mà nó có thể được áp dụng vào.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt