Đạo đức học

Về các nguyên tắc của lý tính thuần túy thực hành - §3 Định lý 2

 

VỀ CÁC NGUYÊN TẮC CỦA

LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

Bùi Văn Nam Sơn dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 43-50. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

§ 3

ĐỊNH LÝ II

 

Mọi nguyên tắc thực hành mang tính chất liệu, xét như bản thân chúng, đều thuộc cùng một loại và phục tùng nguyên tắc chung của việc yêu-chính mình [hay lòng tư dục] (Selbstliebe) hay của hạnh phúc riêng tư.

 

Sự vui sướng nảy sinh từ biểu tượng về sự hiện hữu hiện thực của một sự việc, trong chừng mực nó làm nhiệm vụ là cơ sở quy định cho sự ham muốn sự việc này, là dựa trên sự thụ nhận (Empfänglichkeit) của chủ thể, vì nó lệ thuộc vào sự hiện hữu của một đối tượng; do đó, nó thuộc về giác quan (xúc cảm) chứ không thuộc về giác tính là quan năng thể hiện mối quan hệ của biểu tượng với một đối tượng dựa theo các khái niệm chứ không quan hệ với chủ thể dựa theo các tình cảm (Gefühle). Vì thế, sự vui sướng chỉ có tính thực hành trong chừng mực quan năng ham muốn bị quy định bởi cảm giác về sự dễ chịu được chủ thể chờ đợi từ sự hiện hữu hiện thực của đối tượng. Bây giờ, vì lẽ ý thức của một hữu thể có lý tính về tính dễ chịu của đời sống vốn không ngừng đi kèm theo toàn bộ sự sinh tồn của con người chính là hạnh phúc, và nguyên tắc làm cho hạnh phúc trở nên cơ sở tối cao để quy định ý chí chính là nguyên tắc của việc yêu-chính mình. Cho nên, mọi nguyên tắc chất liệu đặt cơ sở quy định của ý chí vào trong sự vui sướng hay không-vui sướng nảy sinh từ sự hiện hữu hiện thực của bất kỳ đối tượng nào đều là hoàn toàn cùng một loại cả, bao lâu tất cả chúng đều thuộc về nguyên tắc của việc yêu-chính mình hay của hạnh phúc riêng tư.

 

HỆ LUẬN

Mọi quy tắc thực hành mang tính chất liệu đặt cơ sở quy định cho ý chí vào trong quan năng ham muốn hạ cấp; và, nếu giả sử không có các quy luật đơn thuần mang tính hình thức [hay mô thức/formal] của ý chí đủ sức quy định nó, ắt ta không thể thừa nhận rằng có một quan năng ham muốn cao cấp nào hết.

 

NHẬN XÉT 1

Đáng ngạc nhiên là, nhiều người, vốn rất sâu sắc[1], lại tin rằng có thể phân biệt giữa quan năng ham muốn hạ cấpcao cấp dựa theo sự phân biệt những biểu tượng – vốn đều gắn liền với tình cảm về sự vui sướng – có nguồn gốc từ các giác quan hay từ giác tính. Vì lẽ, khi ta tìm hiểu xem đâu là các cơ sở quy định cho sự ham muốn và đặt chúng vào trong một sự dễ chịu được mong đợi nào đó, thì vấn đề không phải ở chỗ biểu tượng về đối tượng thích khoái này có nguồn gốc từ đâu mà chỉ ở chỗ nó làm ta thích khoái (vergnügt) đến đâu mà thôi. Bất kể một biểu tượng có nguồn gốc và nguyên quán ở trong giác tính hay không, nếu có chỉ có thể quy định sự lựa chọn bằng cách tiền-giả định một tình cảm về sự vui sướng ở trong chủ thể, thì năng lực quy định sự lựa chọn của nó hoàn toàn lệ thuộc vào đặc tính cấu tạo của giác quan bên trong, nghĩa là, cơ sở này có thể bị tác động bởi giác quan bên trong vì tính dễ chịu. Tuy nhiên, những biểu tượng về những đối tượng có thể dị loại (ungleichartig) với nhau đến đâu đi nữa, dù chúng là những biểu tượng của giác tính hay thậm chí của lý tính đối lập lại với những biểu tượng của giác quan, thì tình cảm về sự vui sướng, qua đó chúng tạo nên nguyên tắc quy định cho ý chí (sự thích khoái được mong đợi thúc đẩy hành động tạo ra đối tượng) là đều thuộc cùng một loại, không phải chỉ trong chừng mực tình cảm vui sướng lúc nào cũng có thể được nhận biết một cách đơn thuần thường nghiệm, mà còn trong chừng mực tình cảm ấy kích động cùng một sinh lực thể hiện ra trong quan năng ham muốn, và, trong phương diện này, chỉ khác biệt với bất kỳ một cơ sở quy định nào khác về mức độ mà thôi. Vì thử hỏi, ta làm sao có thể so sánh hai cơ sở quy định – về phương diện mức độ – khi các biểu tượng của chúng dựa trên hai quan năng hoàn toàn khác nhau [vd: cảm năng và giác tính] để ưu tiên lựa chọn cái nào tác động đến quan năng ham muốn ở mức độ mạnh nhất? Cũng chính một và cùng một con người trả lại một quyển sách quý, rất bổ ích đối với mình mà không hề đọc một chữ dù cơ hội ấy một đi không trở lại chỉ để không lỡ một cuộc đi săn; bỏ ngang một buổi diễn thuyết thật hay ho để khỏi đến muộn một bữa ăn; chia tay một cuộc đàm thoại thật thú vị mà thường người ấy rất yêu thích để kịp ngồi vào bàn chơi đỏ đen; thậm chí từ chối giúp đỡ một người nghèo, tuy ngày thường người ấy rất tốt bụng chỉ vì lúc ấy chỉ còn đủ tiền mua vé vào xem một vở hài kịch sắp mở màn. Nếu sự quy định ý chí dựa trên tình cảm về sự dễ chịu hay không dễ chịu hứa hẹn đến từ bất kỳ một nguyên nhân nào, thì đối với người ấy đều như nhau cả, bất kể người ấy bị tác động bằng phương cách biểu tượng nào. Yếu tố quyết định việc lựa chọn ở đây chỉ là: sự dễ chịu ấy mạnh đến đâu, kéo dài bao lâu, có dễ đạt được không và có lặp lại nhiều lần hay không mà thôi. Cũng giống như kẻ đang cần có vàng để chi dùng sẽ chẳng cần phân biệt vàng ấy được đào trên núi, được đãi từ cát, miễn là nó được mọi nơi thừa nhận như cùng một giá trị, thì người chỉ quan tâm đến sự hưởng thụ trong cuộc sống ắt cũng chẳng hề thắc mắc những biểu tượng đến từ giác tính hay từ giác quan mà chỉ quan tâm đến việc chúng sẽ mang lại sự thích khoái bao nhiêu và bao lớn trong khoảng thời gian lâu bền nhất. Chỉ có những ai thích thú bác bỏ việc lý tính thuần túy – không cần lấy bất kỳ tình cảm nào làm điều kiện tiên quyết – lại có năng lực quy định ý chí là có thể bị lạc lối trong chính sự trình bày của mình khi họ xem là hoàn toàn dị loại những gì được chính họ trước đó đưa vào dưới một và cùng một nguyên tắc. Chẳng hạn, ta có thể thấy vui sướng trong việc đơn thuần thi thố sức mạnh, trong việc có ý thức về dũng khí của ta khi vượt qua mọi trở lực ngăn cản ý đồ, trong việc đào luyện những tài năng tinh thần của ta v.v…, và ta có quyền gọi chúng là những niềm vui sướng tinh tế hơn, vì chúng nằm trong phạm vi quyền năng của ta hơn những điều khác, vì chúng không suy yếu đi, trái lại càng tăng cường khả năng của ta để tiếp tục thụ hưởng chúng lâu dài, và, trong khi làm ta hài lòng, chúng đồng thời còn đào luyện ta nữa. Nhưng, dựa vào điều ấy để bảo rằng chúng quy định ý chí bằng một cách khác chứ không phải thông qua giác quan đơn thuần – trong khi khả thể của sự vui sướng tiền-giả định một tình cảm có sẵn trong ta như là điều kiện đầu tiên của sự hài lòng này – thì không khác gì những kẻ bất tri vốn rất thích chìm đắm trong Siêu hình học tưởng tượng ra một thứ chất liệu tinh vi, thậm chí quá tinh vi khiến bản thân họ cũng choáng váng trước sản phẩm của mình và đi đến chỗ suy tưởng và rồi tin rằng bằng cách ấy họ đã nghĩ ra được một thực thể tâm linh mà lại có quảng tính! Nếu cùng với Epikur[2], ta xem đức hạnh quy định ý chí chỉ nhờ vào sự thích khoái mà đức hạnh hứa hẹn cho ta, ta không có lý do gì để trách ông đã xem sự thích khoái này là cùng một loại với những thích khoái của các giác quan thô thiển nhất, và đã xem những biểu tượng kích thích tình cảm này là chỉ đơn thuần thuộc về các giác quan của cơ thể. Trong chừng mực có thể phỏng đoán, ông đã đi tìm nguồn gốc của nhiều biểu tượng trong việc sử dụng quan năng nhận thức cao cấp hơn, nhưng điều này đã không và đã không thể ngăn cản ông giữ vững nguyên tắc trên đây, đó là: bản thân sự thích khoái – mà những biểu tượng trí tuệ mang lại cho ta và chỉ nhờ đó, chúng có thể quy định ý chí – là đều thuộc cùng một loại. Tính nhất quán là yêu cầu cao nhất đối với một triết gia và thật không dễ tìm. Các trường phái triết học Hy Lạp cổ đại cho ta nhiều tấm gương điển hình về điều này, khác hẳn với thời đại “chiết trung” hiện nay của chúng ta khi người ta bịa ra một hệ thống thỏa hiệp giữa nhiều nguyên tắc mâu thuẫn nhau một cách đầy nông cạn và thiếu trung thực, vì nó hợp khẩu vị của một cử tọa vừa lòng với việc biết chút ít về đủ mọi thứ nhưng chẳng biết điều gì một cách chu đáo cả cũng như có thể làm hài lòng mọi phía.

Nguyên tắc về hạnh phúc riêng tư, tuy trong đó giác tính và lý tính có thể được sử dụng rất nhiều, vẫn không thể chứa đựng bất kỳ nguyên tắc quy định nào khác cho ý chí ngoại trừ những nguyên tắc vốn thuộc về quan năng ham muốn hạ cấp; và do đó, hoặc không hề có quan năng ham muốn cao cấp nào cả, hoặc lý tính thuần túy phải tự bản thân mình có tính thực hành, nghĩa là, nó phải có năng lực quy định ý chí bằng hình thức hay mô thức đơn thuần (bloße Form) của quy tắc thực hành mà không giả định bất kỳ tình cảm nào, và, do đó, không có bất kỳ biểu tượng nào về cái dễ chịu hay không-dễ chịu vốn là chất liệu của quan năng ham muốn và bao giờ cũng là một điều kiện thường nghiệm của các nguyên tắc. Vậy, chỉ khi lý tính tự bản thân mình quy định ý chí (chứ không phải như kẻ phục vụ cho các xu hướng), nó mới thực sự là một quan năng ham muốn cao cấp mà quan năng ham muốn hạ cấp – có thể bị quy định một cách sinh lý (pathologisch) – phải phục tùng và cũng thực sự và đặc biệt khác hẳn với quan năng sau, khiến cho ngay một sự pha trộn dù ít ỏi nhất với các động cơ của quan năng sau cũng đủ làm suy yếu sức mạnh và tính ưu việt của nó, không khác gì một chút điều kiện thường nghiệm cũng đủ hạ thấp và phá hủy sức mạnh và giá trị của một chứng minh toán học. Lý tính, với quy luật thực hành của mình, quy định ý chí một cách trực tiếp, không thông qua trung gian của một tình cảm vui sướng hay không-vui sướng, kể cả tình cảm vui sướng đối với bản thân quy luật; và, chỉ vì nó – với tư cách là lý tính thuần túy – có thể là thực hành, nên điều ấy làm cho nó có năng lực ban bố quy luật (gesetzgebend).

 

NHẬN XÉT 2

Hạnh phúc nhất định là mong muốn của bất kỳ hữu thể có lý tính nhưng hữu tận, và, vì thế, là một cơ sở quy định không thể tránh khỏi của quan năng ham muốn. Vì ta không sở hữu được ngay từ đầu sự hài lòng với toàn bộ sự hiện hữu của ta – một niềm hạnh phúc ắt bao hàm một ý thức về sự tự túc tự mãn hoàn toàn độc lập của riêng ta – mà là một vấn đề do bản tính tự nhiên hữu tận của ta đặt ra cho ta, bởi ta thiếu thốn, và nhu cầu này liên quan đến chất liệu của quan năng ham muốn, nghĩa là, một cái gì liên quan đến tình cảm chủ quan về sự vui sướng hay không-vui sướng vốn quy định những gì ta cần có để được thỏa mãn với hoàn cảnh của ta. Nhưng, vì lẽ cơ sở quy định mang tính chất liệu này chỉ có thể được chủ thể biết đến một cách thường nghiệm, nên không thể xem vấn đề này như một quy luật được; vì quy luật thì phải chứa đựng một cách khách quan cùng một cơ sở quy định cho ý chí trong mọi trường hợp và cho mọi hữu thể có lý tính. Vì, tuy khái niệm hạnh phúc, trong mọi trường hợp, là cơ sở cho mối quan hệ thực hành giữa những đối tượng với quan năng ham muốn, nhưng nó chỉ là một tên gọi chung cho các cơ sở quy định chủ quan và không quy định điều gì một cách đặc thù cả, trong khi chính điều này là điều duy nhất được ta quan tâm trong vấn đề thực hành này và vấn đề này không thể nào được giải quyết mà không có một sự quy định đặc thù như thế. Vì lẽ, chính tình cảm đặc thù của mỗi người về sự vui sướng hay không-vui sướng quyết định những gì người ấy đặt hạnh phúc của mình vào; và ngay trong cùng một con người, điều này luôn thay đổi cùng với sự khác nhau của các nhu cầu của mình khi tình cảm này thay đổi; và, như thế, một quy luật là tất yếu một cách chủ quan (như một định luật tự nhiên) thì về mặt khách quan là một nguyên tắc thực hành hết sức bất tất, có thể và phải rất khác nhau nơi những chủ thể khác nhau, và, vì thế, không bao giờ có thể mang lại một quy luật được, vì, ở đây, trong sự ham muốn hạnh phúc, điều quyết định không phải là hình thức của tính hợp quy luật mà chỉ là chất liệu mà thôi, nghĩa là, liệu tôi có chờ đợi sự thích khoái khi tuân theo quy luật hay không và chờ đợi được hưởng nó bao nhiêu. Các nguyên tắc của lòng yêu chính mình tuy có chứa đựng những điều lệnh phổ biến về tài khéo (tức làm sao tìm ra phương tiện để đạt mục đích của mình), nhưng trong trường hợp này, chúng chỉ là những nguyên tắc đơn thuần lý thuyết* giống như ai thích ăn bánh mì thì phải nghĩ ra cách chế tạo cối xay bột; và những điều lệnh thực hành dựa trên chúng không bao giờ có thể có tính phổ biến, vì cơ sở quy định đối với quan năng ham muốn đã đặt nền tảng trên tình cảm vui sướng và không-vui sướng vốn không bao giờ có thể được giả định một cách phổ biến đối với cùng những đối tượng như nhau.

Tuy nhiên, ngay cả giả thiết rằng mọi hữu thể có lý tính và hữu tận đều hoàn toàn đồng ý về những gì là đối tượng cho tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng, và, thậm chí, đồng ý cả về những phương tiện phải sử dụng để đạt được điều trước và tránh được điều sau, thì họ cũng tuyệt nhiên không có cách nào thiết lập nguyên tắc của lòng yêu chính mình như một quy luật thực hành vì bản thân sự nhất trí này chỉ là bất tất. Cơ sở quy định ắt vẫn chỉ có giá trị chủ quan và đơn thuần thường nghiệm và không có được sự tất yếu vốn được suy tưởng trong mọi quy luật, nghĩa là, một sự tất yếu khách quan nảy sinh từ những cơ sở tiên nghiệm (a priori), trừ khi ta xem sự tất yếu này không hề có tính thực hành mà chỉ đơn thuần có tính cơ giới, tức, hành vi của ta bị xu hướng của ta quy định một cách không thể tránh khỏi, giống như ta ngáp khi nhìn thấy những người khác đang ngáp. Vậy hóa ra tốt hơn là khẳng định rằng tuyệt nhiên không có quy luật thực hành nào cả mà chỉ có những lời khuyên nhằm phục vụ cho các ham muốn của ta hơn là nâng những nguyên tắc đơn thuần chủ quan lên cấp độ của những quy luật thực hành có tính tất yếu khách quan chứ không đơn thuần chủ quan và phải được lý tính nhận thức một cách tiên nghiệm chứ không phải bằng kinh nghiệm (cho dù có phổ biến đến mấy đi nữa). Ngay bản thân những quy tắc về những hiện tượng tương ứng với nhau cũng chỉ được gọi là những định luật của Tự nhiên (chẳng hạn, những định luật cơ học) khi ta thực sự nhận biết chúng một cách tiên nghiệm, hay (trong trường hợp những định luật hóa học), ta giả định rằng chúng có thể được nhận thức một cách tiên nghiệm từ các cơ sở khách quan nếu nhận thức của ta đạt được đến mức sâu sắc hơn. Nhưng, đối với những nguyên tắc thực hành đơn thuần chủ quan, mà điều kiện minh nhiên là dựa vào các điều kiện chủ quan chứ không phải khách quan của sự lựa chọn, chúng bao giờ cũng phải được hình dung như là những châm ngôn đơn thuần chứ không bao giờ như là những quy luật thực hành. Nhận xét thứ hai này thoạt nhìn có vẻ như là một sự phân tích quá chi ly về từ ngữ, nhưng thực ra, nó minh định thuật ngữ cho một sự phân biệt hệ trọng hàng đầu và chỉ có thể được xem xét trong các công trình nghiên cứu thực hành [trong các nghiên cứu về đạo đức học] mà thôi.

 



[1] Ám chỉ Christian Wolff (1679-1754) trong Psychologia Empirica/Tâm lý học thường nghiệm, Frankfurt và Leibzig 1738 (= Tập hợp tác phẩm, phần II, tập 5, Hildesheim 1968) §§580, 584, 800, 887-890 và Alexander G. Baumgarten, Metaphysica/Siêu hình học, Halle 1779, §§676 và 689 (ấn bản mới: Hildesheim 1963). (N.D).

[2] Epikur (khoảng 342-271 tr. CN), nổi tiếng với học thuyết đạo đức học dựa trên nguyên tắc khoái lạc. Sinh vật nào cũng tìm sự sung sướng, tránh sự đau khổ. Epikur định nghĩa khoái lạc như là sự vắng mặt của đau đớn và bất an. Không có trạng thái trung gian giữa sung sướng và đau khổ. Khi loại bỏ được sự đau đớn thể xác và sự đau khổ tinh thần, ta đạt được sự khoái lạc. Cảm giác sung sướng không tăng lên mà chỉ đa dạng hóa, vì thế sự “tri túc” là một đức hạnh quan trọng, từ đó dẫn đến sự “an nhiên” (Ataraxie), mục đích của đời sống đứng đắn và đức hạnh. (N.D).

* (Chú thích của tác giả) Trong toán học và khoa học tự nhiên, những mệnh đề được gọi là “thực hành” (praktisch) thực ra phải gọi là “kỹ thuật” (technisch). Bởi các môn học này không liên quan gì đến việc quy định ý chí, chúng chỉ đề ra sự đa tạp của hành vi khả hữu có thể tạo ra một kết quả nào đó, và vì thế, là có tính lý thuyết giống như mọi mệnh đề phát biểu về sự nối kết giữa nguyên nhân và kết quả. Chỉ ai thích kết quả thì mới phải lựa chọn nguyên nhân cho nó.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt