Đạo đức học

Về các nguyên tắc của lý tính thuần túy thực hành - §2 Định lý 1

 

VỀ CÁC NGUYÊN TẮC CỦA

LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

Bùi Văn Nam Sơn dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành / Phần 1, Quyển 1, Chương 1. “Về các nguyên tắc của lý tính thuần túy thực hành”. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 42-3. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

§2

ĐỊNH LÝ I

 

Mọi nguyên tắc thực hành tiền-giả định một đối tượng (chất liệu) của quan năng ham muốn như là cơ sở quy định cho ý chí thì đều có tính thường nghiệm và không thể mang lại các quy luật thực hành.

 

Tôi hiểu “chất liệu” của quan năng ham muốn là một đối tượng mà việc hiện thực hóa đối tượng ấy được người ta ham muốn. Nếu lòng ham muốn đối tượng ấy có trước quy tắc thực hành và là điều kiện cho việc ta biến quy tắc ấy thành một nguyên tắc, thì trước hết, tôi cho rằng: nguyên tắc ấy bao giờ cũng có tính thường nghiệm, vì lẽ, trong trường hợp ấy, cơ sở quy định cho sự lựa chọn là sự hình dung về một đối tượng và mối quan hệ của sự hình dung hay của biểu tượng ấy với chủ thể, qua đó quan năng ham muốn của chủ thể bị quy định là phải hiện thực hóa biểu tượng ấy. Một mối quan hệ như thế với chủ thể gọi là sự vui sướng (Lust) nơi sự tồn tại hiện thực của một đối tượng. Như thế, điều này phải được tiền-giả định như là điều kiện khả thể cho sự quy định ý chí. Nhưng, vì không thể biết được một cách tiên nghiệm đối với biểu tượng về một đối tượng rằng liệu nó sẽ mang lại sự vui sướng, sự không-vui sướng hay dửng dưng, nên, trong các trường hợp đó, nguyên tắc quy định của sự lựa chọn bao giờ cũng phải có tính thường nghiệm cũng như nguyên tắc chất liệu thực hành tiền-giả định cơ sở ấy như là điều kiện.

Thứ hai là, vì lẽ việc thụ nhận (Empfänglichkeit) sự vui sướng hay không-vui sướng chỉ có thể biết được một cách thường nghiệm và không thể có giá trị trong cùng một mức độ đối với mọi hữu thể có lý tính, nên nguyên tắc dựa trên điều kiện chủ quan này tuy có thể được dùng như một châm ngôn đối với chủ thể có được sự tiếp nhận ấy nhưng không phải là một quy luật (vì nó thiếu sự tất yếu khách quan vốn phải được nhận thức một cách tiên nghiệm), cho nên một nguyên tắc như thế không bao giờ có thể mang lại một quy luật thực hành.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt