Đạo đức học

Về các nguyên tắc của lý tính thuần túy thực hành - §4 Định lý 3

 

VỀ CÁC NGUYÊN TẮC CỦA

LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

Bùi Văn Nam Sơn dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 50-51. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

§ 4

ĐỊNH LÝ III

 

Một hữu thể có lý tính, khi phải suy tưởng về những châm ngôn của mình như là những quy luật thực hành phổ biến, chỉ có thể suy tưởng chúng như là những nguyên tắc quy định ý chí không phải do chất liệu (Materie) mà chỉ do hình thức (Form) của chúng.

 

Tôi hiểu chất liệu của một nguyên tắc thực hành là đối tượng của ý chí[1]. Đối tượng này là hoặc không phải là cơ sở quy định ý chí. Nếu là cơ sở quy định ý chí, thì quy tắc của ý chí ắt phải phục tùng một điều kiện thường nghiệm (tức phục tùng quan hệ của biểu tượng quy định với tình cảm vui sướng và không-vui sướng), do đó, không phải là một quy luật thực hành. Bây giờ, nếu ta tước bỏ hết mọi chất liệu, tức, tước bỏ bất kỳ đối tượng nào của ý chí (như là cơ sở quy định) ra khỏi một quy luật, sẽ không còn lại gì ngoài mô thức hay hình thức đơn thuần của một sự ban bố quy luật phổ biến. Vậy, một hữu thể có lý tính hoặc không thể suy tưởng các nguyên tắc thực hành-chủ quan, tức các châm ngôn của mình, đồng thời như là những quy luật phổ biến, hoặc hữu thể ấy phải giả định rằng chỉ duy có hình thức đơn thuần của chúng – nhờ đó chúng thích hợp cho việc ban bố quy luật phổ biến – mới làm cho chúng trở thành những quy luật thực hành.

 

NHẬN XÉT

Lý trí bình thường nhất – không cần dạy dỗ – cũng có thể phân biệt hình thức nào của châm ngôn là thích hợp cho việc ban bố quy luật phổ biến, còn hình thức nào không. Chẳng hạn, giả thiết tôi đề ra châm ngôn cho mình là gia tăng tài sản bằng mọi phương tiện an toàn. Nay, tôi đang giữ trong tay một tài sản ký thác (Depositum) mà người chủ sở hữu đã quá cố và không lưu lại một văn bản nào hết về tài sản ấy. Đây tất nhiên là tình huống cho châm ngôn của tôi. Tôi chỉ muốn biết liệu châm ngôn nói trên cũng có thể có giá trị như là quy luật thực hành phổ biến hay không. Vì thế, tôi áp dụng châm ngôn ấy vào tình huống hiện tại và tự hỏi phải chăng châm ngôn ấy có thể mang hình thức của một quy luật, và, do đó, phải chăng, bằng châm ngôn ấy, tôi đồng thời có thể đề ra một quy luật như sau: bất kỳ ai cũng có thể phủ nhận [tính chất của một] tài sản ký thác khi không ai có thể chứng minh được sự ủy thác về nó. Tôi lập tức nhận ra rằng một nguyên tắc như thế với tư cách là quy luật, ắt sẽ tự thủ tiêu chính mình, vì kết quả sẽ là: không có gì gọi là tài sản ký thác cả. Một quy luật thực hành được tôi thừa nhận phải tự xứng đáng để trở thành sự ban bố quy luật phổ biến; đó là một mệnh đề đồng nhất và, do đó, tự mình là hiển nhiên. Bây giờ, nếu tôi bảo rằng ý chí của tôi phải phục tùng một quy luật thực hành, tôi không thể nêu xu hướng của tôi (ví dụ, trong trường hợp này là lòng ham của cải) như là cơ sở quy định thích hợp cho một quy luật thực hành phổ biến, vì lẽ xu hướng này, vốn không thể thích dụng cho một sự ban bố quy luật phổ biến, nếu lại được mang hình thức của một quy luật phổ biến, ắt sẽ tự phá hủy chính mình.

Vì thế, thật đáng ngạc nhiên khi thấy những người có đầu óc[2] lại có thể nghĩ đến việc gọi sự ham muốn hạnh phúc là một quy luật thực hành phổ biến với lý do rằng sự ham muốn này là có tính phổ biến, và, do đó, cũng xem là châm ngôn qua đó bất kỳ ai cũng lấy sự ham muốn này làm cơ sở quy định cho ý chí của mình. Trong khi một định luật tự nhiên phổ biến làm cho mọi sự được nhất trí với nhau, thì trái lại, ở đây, nếu ta gán tính phổ biến của một quy luật cho châm ngôn [chủ quan], hậu quả sẽ là sự cực kỳ thiếu nhất trí, là sự đối lập gay gắt nhất, là sự phá hủy toàn bộ đối với bản thân châm ngôn và mục đích của nó. Bởi vì, trong trường hợp này, ý chí của mọi người không có một và cùng một đối tượng, trái lại, mỗi người có đối tượng của riêng mình (sự sung sướng riêng tư); đối tượng này có thể ngẫu nhiên nhất trí với các mục đích của người khác – vốn cũng không kém vị kỷ –, nhưng còn lâu mới đủ trở thành một quy luật, vì những ngoại lệ ngẫu nhiên mà mỗi người tự cho phép mình được hưởng là vô tận và không thể nào được bao hàm dứt khoát trong một quy tắc phổ biến được cả. Với cung cách này, họa chăng chỉ tạo ra được một sự hòa hợp giống như sự “hòa hợp” giữa một cặp vợ chồng sắp rã đám như lời của một bài thơ châm biếm nào đó: “Ôi, sự hòa hợp thật tuyệt vời; cái gì ông muốn thì bà cũng muốn v.v…” hoặc như câu chuyện kể về lời nguyền của vua Franz đệ nhất đối với vua Charles đệ ngũ: “Người anh em Charles của ta muốn gì thì ta cũng muốn y như thế” (đó là vùng đất Mailand)! Các cơ sở quy định thường nghiệm không thích dụng cho việc ban bố quy luật phổ biến ngoại tại, càng không thích dụng cho việc ban bố quy luật nội tâm, vì mỗi người lấy cá nhân mình làm cơ sở cho xu hướng của mình; và, trong cùng một chủ thể, khi thì xu hướng này, khi thì xu hướng khác chiếm ưu thế. Việc tìm ra một quy luật có thể ngự trị tất cả chúng dưới cùng một điều kiện này, tức là, mang tất cả chúng vào trong một sự hòa hợp, là điều tuyệt đối không thể làm được.

 



[1]Đối tượng của ý chí”: sẽ được Kant bàn kỹ trong Chương II, Quyển I: “Khái niệm về một đối tượng của lý tính thuần túy thực hành” (A101-126). (N.D).

[2] Ám chỉ Christian Wolff, trong khuôn khổ đạo đức học của mình, đã cho thấy có sự nối kết nội tại giữa hạnh phúc, tính hoàn hảo và quy luật tự nhiên: “Trạng thái của một sự sung sướng bền lâu tạo nên hạnh phúc. Nay, vì lẽ sự Thiện-tối cao hay sự thiên phúc gắn liền với một sự sung sướng bền lâu (§51), nên người nào có được điều ấy, sẽ ở trong trạng thái của sự sung sướng bền lâu. Và vì thế, sự Thiện-tối cao được duy trì thông qua việc thực hiện quy luật tự nhiên (§45), nên việc quan sát quy luật này cũng là phương tiện, nhờ đó con người duy trì được hạnh phúc của mình” (Wolff, Vernünftig Gedanken von der Mensehen Tun und Lassen. Zur Beförderung ihrer Glückseligkeit, den Liebhabern der Wahrheit mitgeteilt/Các tư tưởng hợp lý về việc làm và không làm của con người. Truyền đạt cho người yêu chân lý để tạo hạnh phúc, 1773, §52 (= Tập hợp tác phẩm, I, tập 4, Hildesheim, New York 1976). (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt