Đạo đức học

Về các nguyên tắc của lý tính thuần túy thực hành - §6 Vấn đề 2

 

VỀ CÁC NGUYÊN TẮC CỦA

LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

Bùi Văn Nam Sơn dịch

 


 

Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 54-56. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

§6

VẤN ĐỀ 2

 

Giả thiết rằng: một ý chí là tự do, hãy tìm quy luật nào chỉ duy tự mình có đủ năng lực để quy định ý chí một cách tất yếu.

 

Vì lẽ chất liệu của quy luật thực hành, tức, một đối tượng của châm ngôn không bao giờ có thể được mang lại bằng cách nào khác hơn là bằng con đường thường nghiệm; và vì lẽ ý chí tự do tuy độc lập với những điều kiện thường nghiệm (nghĩa là, với những điều kiện thuộc về thế giới cảm tính) nhưng lại có thể được quy định, nên một ý chí tự do phải tìm thấy cơ sở quy định của mình ở trong quy luật, song độc lập với chất liệu của quy luật. Nhưng, bên ngoài chất liệu của quy luật, không còn gì được chứa đựng trong quy luật ngoài hình thức ban bố quy luật của nó. Vậy, chính hình thức ban bố quy luật – được chứa đựng trong châm ngôn – là cái duy nhất có thể tạo nên cơ sở quy định cho một ý chí [tự do].

 

NHẬN XÉT

Như thế, sự Tự do và quy luật thực hành vô-điều kiện hàm ngụ lẫn nhau một cách tương hỗ. Ở đây, tôi không hỏi: phải chăng, trong thực tế, chúng là khác nhau, hay phải chăng một quy luật vô-điều kiện thực ra chỉ là Tự-ý thức của một lý tính thuần túy thực hành, còn lý tính thuần túy thực hành là hoàn toàn đồng nhất với khái niệm tích cực về sự Tự do; trái lại, tôi chỉ hỏi: nhận thức của ta về cái thực hành vô-điều kiện bắt đầu (anhebt) với cái gì: với sự Tự do hay với quy luật thực hành? Nó không thể bắt đầu với sự Tự do được, vì ta không thể có ý thức về Tự do một cách trực tiếp, bởi khái niệm đầu tiên của ta về Tự do là có tính tiêu cực, phủ định (negativ); ta cũng không thể suy nhận thức này ra từ kinh nghiệm, vì kinh nghiệm chỉ cho ta nhận thức về quy luật của những hiện tượng, tức về cơ chế [máy móc] của Tự nhiên vốn là cái đối lập trực diện với Tự do. Vì thế, chính quy luật luân lý được ta ý thức một cách trực tiếp (khi ta đề ra cho ta các châm ngôn của ý chí) mới là cái đầu tiên xuất hiện ra cho ta và trực tiếp dẫn ta đi đến khái niệm về Tự do, trong chừng mực lý tính diễn tả nó như một cơ sở quy định không phải bị đè nặng bởi bất kỳ điều kiện cảm tính nào, trái lại, hoàn toàn độc lập với chúng. Thế nhưng, làm sao có thể có được ý thức về quy luật luân lý này? Ta có thể trở nên có ý thức về những quy luật thuần túy thực hành giống như có ý thức về những nguyên tắc thuần túy lý thuyết khi ta lưu ý đến tính tất yếu do lý tính đề ra cho chúng và đến việc lý tính hướng dẫn ta biết cách loại bỏ mọi điều kiện thường nghiệm. Khái niệm về một ý chí thuần túy nảy sinh từ ý thức về tính tất yếu cũng giống như ý thức về một giác tính thuần túy nảy sinh từ việc loại bỏ mọi điều kiện thường nghiệm. Khi bảo rằng chính giác tính thuần túy [với các phạm trù] là cơ quan đích thực buộc mọi khái niệm [thường nghiệm] của ta phải phục tùng, và bảo rằng chính luân lý hay đạo đức (Sittlichkeit) là cái đầu tiên phát hiện ra cho ta khái niệm về Tự do, tức, bảo rằng chính lý tính thực hành, với khái niệm này, lần đầu tiên đặt ra cho lý tính tư biện vấn đề nan giải nhất, qua đó đẩy lý tính tư biện vào sự lúng túng chưa từng có, là điều rõ ràng từ sự kiện sau đây: vì lẽ không có gì ở những hiện tượng lại có thể được giải thích bằng khái niệm về Tự do cả, trái lại, cơ chế [máy móc] của Tự nhiên phải là chìa khóa duy nhất; thêm nữa, nếu lý tính thuần túy tiến lên theo chuỗi những nguyên nhân để đi từ cái vô-điều kiện, nhất định sẽ rơi vào một Nghịch lý (Antinomie), trong đó lý tính vướng vào những điều không thể lý giải nổi cả ở phía chính đề lẫn ở phía phản đề, trong khi cơ chế Tự nhiên ít ra cũng hữu dụng để giải thích những hiện tượng, nên ắt không ai dám du nhập sự Tự do vào trong khoa học tự nhiên nếu không có quy luật luân lý, và, cùng với nó, nếu không có lý tính thực hành tham gia vào và buộc ta phải nghĩ tới khái niệm này. Vả lại, chính kinh nghiệm cũng xác nhận trình tự này về sự hình thành các khái niệm ở trong ta. Giả thiết có ai đó huênh hoang về xu hướng thích hưởng thụ khoái lạc của mình rằng hễ có đối tượng được ham thích và có cơ hội thì nhất định không cưỡng được dục vọng. | Bây giờ, thử hỏi anh ta rằng: nếu đặt một giá treo cổ ngay trước cửa ngôi nhà được anh ta xem là cơ hội để treo cổ anh ta ngay lập tức sau khi thỏa mãn dục vọng, liệu anh ta có kiềm chế được lòng dục của mình không? Chắc ta không khó đoán anh ta sẽ trả lời như thế nào. Ngược lại, nếu viên lãnh chúa, do muốn kiếm cớ để hủy hoại thanh danh một người lương thiện, dùng chính hình phạt ấy để buộc anh ta phải vu cáo, thử hỏi anh ta có khả năng vượt qua được lòng tham sống sợ chết, dù lớn đến mấy? Có lẽ anh ta không dám mạo hiểm để khẳng định là làm hay không làm nhưng anh ta ắt không ngần ngại để nhận rằng điều này là có thể. Nghĩa là, anh ta phán đoán rằng mình có thể làm một việc chỉ vì có ý thức rằng mình phải (soll) làm việc ấy, và nhận ra sự Tự do nơi chính mình, – một điều mà nếu không có quy luật luân lý ắt anh ta không bao giờ nhận ra được.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt