Đạo đức học

Về điển hình luận của năng lực phán đoán thuần túy thực hành

 

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ  LÝ TÍNH THUẦN TÚY THỰC HÀNH

 

VỀ ĐIỂN HÌNH LUẬN (TYPIK)[1] CỦA NĂNG LỰC

PHÁN ĐOÁN THUẦN TÚY THỰC HÀNH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

Bùi Văn Nam Sơn dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thực hành. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 107-118. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

Chính các khái niệm về Thiện và Ác là những cái đầu tiên quy định một đối tượng của ý chí. Nhưng, bản thân chúng lại phục tùng một quy tắc thực hành của lý tính; và nếu lý tính này là lý tính thuần túy, nó sẽ quy định ý chí một cách tiên nghiệm đối với đối tượng của nó. Bây giờ, liệu một hành vi khả hữu với ta trong thế giới cảm tính có phục tùng quy tắc hay không, là một câu hỏi phải được quyết định bởi năng lực phán đoán thực hành, nhờ đó những gì được nói trong quy tắc một cách phổ quát (in abstracto/một cách trừu tượng) được áp dụng đối với một hành vi in concreto (một cách cụ thể). Nhưng, vì lẽ một quy tắc thực hành của lý tính thuần túy trước hết, với tư cách là thực hành, liên quan đến sự hiện hữu của một đối tượng, và thứ hai, với tư cách là một quy tắc thực hành của lý tính thuần túy, bao hàm tính tất yếu đối với sự hiện hữu của hành vi, và, do đó, là một quy luật thực hành, không phải là một quy luật tự nhiên phụ thuộc vào những cơ sở quy định thường nghiệm mà là một quy luật của sự Tự do, nhờ đó ý chí phải được quy định độc lập với mọi cái thường nghiệm (đơn thuần bởi khái niệm về một quy luật và Hình thức của quy luật), trong khi mọi trường hợp có thể diễn ra của những hành vi khả hữu chỉ có thể là thường nghiệm, nghĩa là, thuộc về kinh nghiệm đối với giới Tự nhiên; do đó, có vẻ phi lý khi hy vọng tìm ra được trong thế giới cảm tính một trường hợp vừa chỉ phụ thuộc vào quy luật của Tự nhiên lại vừa có thể áp dụng vào cho nó một quy luật của Tự do, cũng như Ý niệm siêu-cảm tính về cái Thiện luân lý và Ý niệm này phải được thể hiện ra trong nó một cách cụ thể (in concreto). Do đó, năng lực phán đoán của lý tính thuần túy thực hành cũng bị gặp những khó khăn giống như lý tính thuần túy lý thuyết trước đây. Tuy nhiên, lý tính thuần túy lý thuyết có trong tay các phương tiện để thoát khỏi những khó khăn ấy, bởi vì, trong việc sử dụng lý thuyết, cần có những trực quan để các khái niệm thuần túy của giác tính [các phạm trù của giác tính] có thể được áp dụng vào, và những trực quan như thế (dù chỉ về những đối tượng của giác quan) có thể được mang lại một cách tiên nghiệm, và, vì thế, trong chừng mực liên quan đến sự nối kết của cái đa tạp trong chúng, phù hợp với các khái niệm thuần túy tiên nghiệm của giác tính như là những Niệm thức (Schemata)[2]. Trong khi đó, ngược lại, cái Thiện luân lý là cái gì có đối tượng là cái Siêu-cảm tính, vì thế, đối với nó, không có cái tương ứng nào có thể tìm được ở trong bất kỳ trực quan cảm tính cả. | Cho nên, năng lực phán đoán dựa vào những quy luật của lý tính thuần túy thực hành dường như gặp phải những khó khăn đặc biệt nảy sinh từ chỗ: một quy luật của sự Tự do lại được áp dụng vào cho những hành vi vốn là những sự kiện diễn ra trong thế giới cảm tính, và, trong chừng mực đó, thuộc về giới Tự nhiên.

Nhưng, ở đây, một lần nữa, lại mở ra một triển vọng thuận lợi cho năng lực phán đoán thuần túy thực hành. Khi tôi thâu gồm (subsumieren) một hành vi khả hữu đối với tôi trong thế giới cảm tính vào dưới một quy luật thuần túy thực hành, tôi không làm việc với khả thể của hành vi xét như một sự kiện trong thế giới cảm tính. Đó là một công việc thuộc về quyền quyết định của lý tính trong việc sử dụng lý thuyết của nó dựa theo quy luật nhân quả vốn là một khái niệm thuần túy [một phạm trù] của giác tính, và lý tính có một niệm thức trong trực quan cảm tính cho nó. Tính nhân quả tự nhiên, hay điều kiện nhờ đó nó diễn ra, thuộc về những khái niệm tự nhiên mà niệm thức của nó được trí tưởng tượng siêu nghiệm phác họa. Trong khi đó, ở đây, ta không làm việc với niệm thức của một trường hợp diễn ra dựa theo những quy luật, mà với niệm thức của bản thân một quy luật (nếu ta được phép dùng chữ này ở đây), vì sự kiện rằng: ý chí (chứ không phải hành vi liên quan đến kết quả của ý chí) chỉ được quy định bởi một mình quy luật mà không có bất kỳ nguyên tắc nào khác, và ý chí nối kết khái niệm tính nhân quả với những điều kiện hoàn toàn khác so với những điều kiện tạo nên sự nối kết tự nhiên.

Quy luật tự nhiên là một quy luật mà những đối tượng của trực quan cảm tính, xét như trực quan cảm tính, đều phục tùng, có một niệm thức tương ứng với nó, – đó là một phương thức chung của trí tưởng tượng (trí tưởng tượng trình bày một cách tiên nghiệm cho các giác quan về khái niệm thuần túy của giác tính mà quy luật xác định). Nhưng, quy luật của sự Tự do (tức là, của một tính nhân quả không phục tùng những điều kiện cảm tính) và, từ đó, khái niệm về cái Thiện vô-điều kiện không thể có bất kỳ trực quan nào cũng như không có bất kỳ niệm thức nào được cung cấp cho nó nhằm mục đích được áp dụng in concreto. Vì thế, quy luật luân lý không có quan năng nào ngoài giác tính (chứ không phải trí tưởng tượng) để hỗ trợ cho việc áp dụng quy luật và cho những đối tượng tự nhiên; và, vì các mục đích của năng lực phán đoán, giác tính có thể cung cấp cho một ý niệm của lý tính không phải một niệm thức của cảm năng mà cung cấp một quy luật, dù chỉ là mặt hình thức của một quy luật; một quy luật như thế có thể được trình bày in concreto trong những đối tượng của giác quan, vì thế, là một quy luật tự nhiên. Cho nên ta có thể gọi quy luật này là điển hình hay kiểu mẫu (Typus) cho quy luật luân lý.

Quy tắc của năng lực phán đoán dựa theo các quy luật của lý tính thuần túy thực hành là: hãy tự hỏi phải chăng nếu hành vi bạn định làm lại diễn ra bởi một quy luật của giới Tự nhiên mà trong đó bạn là một bộ phận, bạn có xem nó là khả hữu bởi chính ý chí của bạn? Trong thực tế, ai ai cũng nhờ dựa vào quy tắc này để quyết định xem những hành vi là thiện hay ác về mặt luân lý. Cho nên, người ta thường bảo rằng: “Nếu bất cứ ai cũng cho phép mình lừa đảo khi thấy có lợi cho mình; hay bất cứ ai cũng biện minh cho việc tự kết liễu mạng sống mỗi khi chán đời; hay hoàn toàn dửng dưng trước cảnh hoạn nạn của những người khác; và nếu bạn cũng phải sống trong một thế giới toàn như thế cả, liệu bạn có tán thành từ ý chí riêng của bạn?”. Thật ra, ai cũng biết rất rõ rằng nếu bản thân lén lút tự cho phép mình lừa đảo thì không có nghĩa là mọi người khác đều làm như thế cả; hay, nếu, một cách kín đáo, không có lòng trắc ẩn thì không nhất thiết những người khác cũng đối xử như thế với chính mình; cho nên, [về mặt này], sự so sánh châm ngôn hành động với một quy luật phổ quát của Tự nhiên không phải là cơ sở quy định cho ý chí của con người. Song, mặt khác, chính một quy luật như thế lại là một “điển hình” (Typus) cho việc đánh giá về những châm ngôn dựa theo những nguyên tắc luân lý. Nếu châm ngôn của hành động không có được đặc tính là đứng vững trước thử thách của hình thức của một quy luật tự nhiên nói chung thì nó không thể có được về mặt luân lý. Đó cũng là sự phán đoán của lương thức bình thường nhất, bởi những phán đoán thông thường của nó, kể cả những phán đoán về kinh nghiệm, đều luôn dựa trên quy luật của Tự nhiên. Lương thức bình thường luôn có sẵn quy luật này trong tay, nhưng chỉ trong trường hợp cần phải phán đoán về tính nhân quả từ Tự do, nó mới biến quy luật của Tự nhiên này thành một điển hình (Typus) đơn thuần cho một quy luật của Tự do, bởi, nếu không có cái gì để có thể sử dụng như là một ví dụ trong một trường hợp của kinh nghiệm, ắt nó không thể mang lại sự sử dụng trong thực tế cho quy luật của một lý tính thuần túy thực hành.

Vì thế, tôi hoàn toàn được phép sử dụng giới Tự nhiên của thế giới cảm tính như là điển hình cho một Tự nhiên siêu-cảm tính, với điều kiện tôi không chuyển những trực quan và những gì phụ thuộc vào nó sang cho cái sau, mà chỉ áp dụng vào cho nó Hình thức của tính hợp quy luật nói chung (khái niệm về nó có mặt cả trong việc sử dụng lý tính một cách thông thường nhất nhưng không thể được nhận thức một cách tiên nghiệm cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc sử dụng thuần túy thực hành đối với lý tính); vì quy luật, xét như quy luật thì đều như nhau cả, bất kể chúng rút cơ sở quy  định cho mình từ đâu.

Ngoài ra, vì lẽ trong mọi cái Siêu-cảm tính thì tuyệt nhiên không có cái nào được nhận thức cả ngoại trừ sự Tự do (thông qua quy luật luân lý), và chỉ là sự Tự do trong chừng mực nó được bao hàm một cách không thể tách rời trong quy luật ấy, và hơn thế, mọi đối tượng siêu cảm tính [vd: Thượng đế, linh hồn bất tử v.v... N.D] mà lý tính có thể dẫn ta đến khi tuân theo sự hướng dẫn của quy luật này, vừa không hề có tính thực tại [khách quan] nào ngoại trừ cho mục đích của quy luật nói trên và cho việc sử dụng lý tính thực hành [một cách] thuần túy. | Và vì lẽ lý tính được phép và thậm chí buộc phải sử dụng giới Tự nhiên (trong Hình thức thuần túy của nó như là một đối tượng của giác tính) như là “điển hình” (Typus) cho năng lực phán đoán, cho nên phần nhận xét này chỉ nhằm giúp ta phòng tránh việc xem những gì chỉ đơn thuần thuộc về “điển hình luận” (Topik) của những khái niệm như là thuộc về bản thân những khái niệm ấy [tức tránh việc xem những khái niệm luân lý như là những khái niệm tự nhiên. N.D]. Nghĩa là, với tư cách là một điển hình luận của năng lực phán đoán, nó tự vệ để chống lại thuyết duy nghiệm về lý tính thực hành, vì thuyết này đơn thuần đặt các khái niệm thực hành về Thiện và Ác trên cơ sở của những kết quả của kinh nghiệm (cái gọi là “hạnh phúc”). Đành rằng hạnh phúc và những kết quả hữu ích vô tận từ một ý chí được quy định bởi lòng yêu chính mình – nếu ý chí này đồng thời tự nâng lên thành một quy luật phổ quát của Tự nhiên – ắt hẳn có thể phục vụ như một “điển hình” thích hợp một cách hoàn hảo cho cái Thiện luân lý, nhưng lại không đồng nhất với cái Thiện luân lý. Điển hình luận này cũng nhằm tự vệ chống lại thuyết thần bí (Mystizism)[3] về lý tính thực hành, vì nó biến những gì chỉ phục vụ như là một biểu trưng (Symbol) thành một niệm thức (Schema), nghĩa là, có tham vọng cung cấp những trực quan hiện thực cho những khái niệm luân lý, song, những trực quan này lại không phải cảm tính (vd: những trực quan về một Vương quốc vô hình của Thượng đế) và như thế là nhảy vào cái Siêu việt. Vậy, điều thích hợp cho việc sử dụng những khái niệm luân lý chỉ là thuyết duy lý của năng lực phán đoán, vì thuyết này chỉ lấy từ thế giới Tự nhiên cảm tính những gì mà lý tính thuần túy cũng có thể suy tưởng về chính mình, tức là, tính hợp quy luật và không chuyển sang cho cái Siêu-cảm tính những gì không được thể hiện hiện thực bằng những hành vi ở trong thế giới cảm tính dựa theo quy tắc hình thức của một quy luật của Tự nhiên. Tuy nhiên, sự quan tâm chống lại thuyết duy nghiệm về lý tính thực hành là quan trọng hơn nhiều, bởi thuyết thần bí là hoàn toàn có thể tương thích được với tính thuần túy và tính cao cả của quy luật luân lý, ngoài ra, cũng không phải là tự nhiên và phù hợp với thói quen tư duy thông thường khi cố đẩy sự tưởng tượng của mình lên đến những trực quan siêu-cảm tính, và vì thế, sự nguy hiểm từ phía này không phổ biến lắm. | Ngược lại, thuyết duy nghiệm cắt đứt tận gốc tính luân lý của những ý đồ (chính trong những ý đồ chứ không phải chỉ trong những hành vi mới chứa đựng giá trị cao cả mà con người có thể và cần phải mang lại cho chính mình), và thay thế nghĩa vụ bằng cái gì hoàn toàn khác, đó là bằng một lợi ích thường nghiệm được những xu hướng nói chung kín đáo theo đuổi; và thuyết duy nghiệm, do liên minh với mọi loại xu hướng (bất kể theo kiểu biểu hiện nào), hạ thấp tính người khi những xu hướng ấy được nâng lên thành phẩm giá của một nguyên tắc thực hành tối thượng; và vì lẽ những xu hướng dễ dàng chiều theo lề lối cảm tính của con người nên thuyết duy nghiệm càng nguy hiểm hơn so với thuyết thần bí vốn không bao giờ có thể tạo nên trạng thái lâu bền nơi số đông người.

 

 



[1] Điển hình luận (Typik): Kant dùng thuật ngữ này để chỉ vấn đề trình bày “Lý tưởng” hay “Ý thể” (Ideal) của sự Thiện luân lý một cách cụ thể (in concreto) bằng cảm quan. Hình dung cảm quan dành cho một khái niệm thì gọi là niệm thức (Schema) (xem Thuyết niệm thức/Schematismus trong PPLTTT, B176-187); dành cho một Ý niệm thì gọi là biểu trưng (Symbole, Hypotypose) (xem Phê phán năng lực phán đoán, §59); dành cho quy luật luân lý là điển hình hay kiểu mẫu (Typus) theo kiểu tương tự (Analogie) với quy luật tự nhiên. (N.D).

[2] “Những Niệm thức”/“Schemata”: hình ảnh do trí tưởng tượng tạo ra cho một khái niệm. Xem PPLTTT, B179 và tiếp. (N.D).

[3] Điều buồn cười là chính Kant đã bị Tittel (Über Kants Moralreform/Về sự cải cách luân lý của Kant, 1786) phê phán là rơi vào thuyết thần bí: (…) “rõ ràng là nghĩa vụ thuần túy (đức hạnh thuần túy) nơi Kant, trong phạm vi của nó, không gì khác hơn là thế phẩm cho cái gọi là tình yêu thuần túy của Thượng đế (theo nghĩa thần bí)” (dẫn theo bản Meiner). (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt