Triết học tôn giáo

Câu hỏi 25. Năng lực của Thiên Chúa

 

CÂU HỎI 25

NĂNG LỰC CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh


 

 

Sau khi nghiên cứu trí năng và ý chí của Thiên Chúa, và những gì thuộc về hai năng lực này, chúng ta còn phải nghiên cứu năng lực của Thiên Chúa. Về vấn đề này, có sáu điểm cần bàn :

1. Có năng lực trong Thiên Chúa không ?

2. Năng lực của Thiên Chúa vô cùng không ?

3. Thiên Chúa toàn năng không ?

4. Thiên Chúa có thể làm những cái gì đã qua không hiện hữu chăng ?

5. Ngài có thể làm điều Ngài không làm; và Ngài có thể không làm điều Ngài làm không?

6. Điều Ngài làm, Ngài có thể làm cho nó ra tốt hơn không ?

 

Tiết 1

CÓ NĂNG LỰC TRONG THIÊN CHÚA KHÔNG?

 

VẤN NẠN :

Xem ra năng lực không có trong Thiên Chúa.

1. Có cũng một tương quan giữa chất thể đệ nhất với năng lực và giữa Thiên Chúa, là đệ nhất tác nhân với hành động. Mà chất thể đệ nhất, được xem xét tại sự, không có tất cả mọi hành động. Vậy, đệ nhất tác nhân, tức là, Thiên Chúa, không có năng lực.

2. Theo Triết gia, điều tốt hơn tất cả mọi năng lực, là sự hành động của chúng (Metaph.. 8.9). Vì mô thể tốt hơn chất thể, và hành động tốt hơn năng lực chủ động, vì hành động là mục đích của năng lực. Nhưng không có gì tốt hơn cái gì ở trong Thiên Chúa; vì bất cứ cái gì ở trong Thiên Chúa, là Thiên Chúa, như đã trình bày ở trên (Q.3. a.3). Vậy, không có năng lực ở trong Thiên Chúa.

3. Năng lực là nguyên lý hành động. Nhưng năng lực của Thiên Chúa là yếu tính của Thiên Chúa, bởi vì không có gì tùy thể ở trong Thiên Chúa. Nhưng yếu tính của Thiên Chúa không có nguyên lý. Vậy, không có năng lực trong Thiên Chúa.

4. Như đã trình bày trước (Q.14, a.8q.19, a.4). Sự tri thức và sự muốn của Thiên Chúa, là nguyên nhân của các sự vật. Mà nguyên nhân và nguyên lý là đồng nhất. Vậy, chúng ta không nên chỉ năng lực về Thiên Chúa, nhưng chỉ được qui về Thiên Chúa sự tri thức và sự muốn,

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Lạy Chúa, Chúa toàn năng và Chúa ngự trị giữa sự thật của Chúa” (Tv 88,9)

TRẢ LỜI :

Năng lực có hai thứ : năng lực thụ động không hiện hữu nơi Thiên Chúa, và năng lực chủ động mà chúng ta phải chỉ về Thiên Chúa theo cấp bậc cao nhất. Vì điều hiển nhiên là mỗi sự vật, tùy theo nó hiện thể và hoàn hảo, làm nguyên nhân chủ động của một sự vật nào; còn mỗi sự vật thụ động, tùy theo nó không đầy đủ và bất hoàn hảo. Mà người ta đã trình bày ở trên, Thiên Chúa là hiện thể thuần túy và hoàn hảo cách tuyệt đối và phổ quát, cùng đầy đủ, không có một sự bất toàn nào (Q.3, a.1 và 2q.4, a.1 và 2).

Do đó, bằng thể cách thích hợp, chính xác và riêng biệt, Thiên Chúa là một nguyên lý chủ động và không thụ động chút nào. Đàng khác, bản tính của nguyên lý chủ động thuộc về năng lực chủ động. Vì năng lực chủ động là nguyên lý hành động trên sự vật nào khác; còn năng lực thụ động là nguyên lý bị tác dụng bởi sự vật khác như Triết gia nói (Metaph., 4,12). Vậy trong Thiên Chúa, năng lực chủ động ở cấp bậc cao nhất, chứ không có năng lực thụ động.

GIẢI ĐÁP :

1. Năng lực chủ động không trái ngược với hành động, nhưng có nền tảng trên nó, vì mỗi sự vật hành động, tùy theo nó hiện thể; còn năng lực thụ động trái ngược với hành động, vì một sự vật thụ động, tùy theo nó tiềm thể. Do đó, tiềm-thể-tính bị trục xuất ra ngoài Thiên Chúa, chứ năng lực chủ động, thì không.

2. Khi nào hành động phân biệt với năng lực, hành động phải cao quí hơn năng lực. Mà hành động của Thiên Chúa không phân biệt với năng lực của Ngài, vì cả hai là yếu tính của Ngài; bởi vì sự hiện hữu của Ngài cũng không phân biệt với yếu tính của Ngài. Do đó mà không thể có cái gì cao quí hơn năng lực của Ngài.

3. Ở nơi các thụ tạo năng lực là nguyên lý không những của hành động, mà còn của hiệu quả do hành động. Như vậy ở trong Thiên Chúa, ý niệm về năng lực được giữ lại theo tư cách nó là nguyên lý của hiệu quả, chứ không theo tư cách nó là nguyên lý của hành động, vì nguyên lý của hành động chính là yếu tính của Thiên Chúa; trừ phi theo thể cách hiểu biết của chúng ta; vì yếu tính của Thiên Chúa chứa đựng trước trong chính mình, tất cả mọi hoàn hảo hiện hữu trong các sự vật thụ tạo, nó có thể được hiểu hoặc trong ý niệm về hành động, hoặc trong ý niệm về năng lực; cũng như nó được hiểu biết trong ý niệm về cá thể chiếm hữu bản tính, và trong ý niệm về bản tính. Vậy bản tính của năng lực cũng được giữ lại trong Thiên Chúa theo tư cách nó là nguyên lý của một hiệu quả.

4. Năng lực được chỉ về Thiên Chúa, không phải là một sự vật nào thật sự phân biệt với sự tri thức của Ngài và sự muốn của Ngài, nhưng phân biệt với cả hai bằng cách luận ý; nghĩa là, bởi vì năng lực bao gồm ý niệm của nguyên lý thi hành điều mà ý chí ra lệnh và trí năng hướng dẫn, cả ba sự vật này trong Thiên Chúa, thì đồng nhất. Hoặc chúng ta có thể nói : trí năng và ý chí Thiên Chúa, tùy theo một trong hai năng lực này là nguyên nhân tác thành, thì ý niệm của năng lực được chứa đựng trong nó. Bởi đó, sự xem xét về trí năng và về ý chí của Thiên Chúa, đi trước sự xem xét về năng lực của Thiên Chúa, như nguyên nhân đi trước hành động và hiệu quả.

 

Tiết 2

NĂNG LỰC CỦA THIÊN CHÚA THÌ VÔ CÙNG

 

VẤN NẠN :

Xem ra năng lực của Thiên Chúa không vô cùng.

1. Mỗi sự vật vô cùng là bất hoàn hảo, theo Triết gia (Phys. 3.6). Mà năng lực của Thiên Chúa không bất hoàn hảo. Vậy năng lực của Thiên Chúa không vô cùng.

2. Mỗi năng lực được tri thức do hiệu quả của mình: nếu cách khác, nó sẽ vô ích. Vậy, nếu năng lực của Thiên Chúa vô cùng, thì nó có thể sản xuất một hiệu quả vô cùng nhưng điều này bất khả.

3. Triết gia minh chứng nếu năng lực của một sự vật hữu hình nào vô cùng, nó sẽ tạo nên sự chuyển động cách chớp nhoáng (Phys., 7,10). Tuy nhiên, Thiên Chúa không tạo nên sự chuyển động chớp nhoáng, nhưng động các thụ tạo thiêng liêng đúng giờ, và các thụ tạo hữu hình đúng chỗ và đúng giờ, như thánh Augustinô nói (De Genesis ad Litt., 8.20). Vậy, năng lực của Thiên Chúa không vô cùng.

TRÁI LẠI :

Thánh Hilariô nói : Năng lực Thiên Chúa không thể đo lường được, Ngài là Đấng toàn năng hằng sống (De Trin.. 8,24). Nhưng mỗi sự vật không thể đo lường được, thì vô cùng. Vậy, năng lực của Thiên Chúa vô cùng.

TRẢ LỜI :

Như đã nói ở trên, năng lực chủ động hiện hữu trong Thiên Chúa tùy theo sự kiện Ngài là hiện thể. Nhưng sự hiện hữu của Thiên Chúa thì vô cùng, vì nó không bị giới hạn bởi bất cứ cái gì mà nó lãnh nhận, như đã thấy rõ ràng do những điều đã trình bày trước, khi thảo luận về vô-cùng-tính của yếu tính Thiên Chúa (Q.7, a.1). Bởi đó, năng lực của Thiên Chúa phải là vô cùng, cách tất yếu. Vì trong mọi tác nhân, chúng ta gặp thấy tác nhân nào càng có mô thể hoàn hảo hơn nhờ đó mà hành động, thì năng lực của nó càng to lớn để hành động. Thí dụ, một sự vật càng nóng, nó có năng lực càng to lớn để phát nhiệt; và sự vật này hẳn có năng lực vô cùng để phát nhiệt, giả như sự nóng riêng của nó là vô cùng. Do đó, bởi vì yếu tính Thiên Chúa, nhờ đó Thiên Chúa hành động, thì vô cùng, như đã trình bày ở trên (Q.7. a.1), do đó, năng lực của Ngài vô cùng.

GIẢI ĐÁP :

1. Ở đây Triết gia nói về vô-cùng-tính thuộc về chất thể không bị giới hạn bởi một mô thể nào: và vô-cùng-tính thế ấy thuộc về lượng. Nhưng yếu tính Thiên Chúa không vô cùng theo thể cách này, như đã trình bày trước (Q.7. a.1), và một cách hợp lý, năng lực của Thiên Chúa cũng không. Vậy. không do đó mà năng lực của Chúa bất hoàn hảo.

2. Năng lực của tác nhân đơn nghĩa, hoàn toàn nguyên vẹn được biểu lộ trong hiệu quả của nó : Năng lực sinh sản của nhân loại, thí dụ, không có khả năng nào hơn là sinh sản nhân loại. Nhưng năng lực của tác nhân không đơn nghĩa, không toàn vẹn biểu lộ chính nó trong sự sản xuất hiệu quả của nó : như thí dụ, năng lực của mặt trời không hoàn toàn nguyên vẹn biểu lộ chính nó trong sự sản xuất sinh vật được sinh sản do sự hư thối. Nhưng rõ ràng Thiên Chúa không phải là tác nhân đơn nghĩa. Vì không cái gì phù hợp với Thiên Chúa hoặc về loại hoặc về giống, như đã trình bày trước (Q. 3. a.5q.4. a.3). Do đó, mà hiệu quả của Ngài luôn luôn kém hơn năng lực của Ngài. Bởi đó, năng lực vô cùng của Thiên Chúa không tất yếu phải được biểu lộ trong sự sản xuất một hiệu quả vô cùng. Nhưng cho dầu năng lực của Thiên Chúa không sản xuất một hiệu quả nào đi nữa, cũng không vô ích. Vì cái gì được sắp đặt đến mục đích mà nó đạt không được mới là vô ích; còn năng lực Thiên Chúa, không được sắp đặt đến hiệu quả, như đến mục đích; nhưng đúng hơn, nó là mục đích của hiệu quả được sản xuất bởi chính nó.

3. Triết gia minh chứng một vật thể có năng lực vô cùng, nếu nó có thể động trong không thời gian (Phys., 8,10). Tuy nhiên ông tỏ bày năng lực của chủ động trong bầu trời thì vô cùng, vì có thể động trong thời gian vô cùng. Bởi đó, theo ý tưởng của Triết gia, năng lực vô cùng của một vật thể, giả như năng lực vật thể ấy hiện hữu, sẽ có thể động trong không thời gian; tuy nhiên năng lực chủ động vô hình, thì không. Lý do bày tỏ lập trường này, đó là một vật thể động một vật thể khác, là tác nhân đơn nghĩa, do đó mà toàn vẹn năng lực của tác nhân này được biểu lộ trong sự động của nó.Vậy, bởi vì năng lực của vật thể động càng to lớn, thì nó động càng nhanh chóng; nên câu kết luận tất yếu là : giả như năng lực của nó là vô cùng, thì nó sẽ động với một tốc độ nhanh không đo lường được; và thế là động trong không thời gian (movere in non tempore). Tuy nhiên chủ động vô hình, không phải là tác nhân đơn nghĩa; do đó, không tất yếu toàn thể năng lực của nó phải được biểu lộ trong sự động, mà sự động này thật sự là sự động trong không thời gian; một cách đặc biệt vì chủ động vô hình. động tùy theo sự sắp đặt của ý chí của chính mình.

 

Tiết 3

THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG

 

VẤN NẠN :

Xem ra Thiên Chúa không toàn năng.

1. Sự chuyển động và thụ động thuộc về tất cả mọi sự vật. Mà điều đó là bất khả đối với Thiên Chúa, vì Ngài bất động, như đã trình bày trước (Q.2, a.3q.9, a.1). Vậy, Thiên Chúa không toàn năng.

2. Tội là một hành động thuộc về một loại nào đó. Mà Thiên Chúa không thể phạm tội, cũng không thể mâu thuẫn với chính Ngài (như đã nói ở 2 Tm 2,13). Vậy, Thiên Chúa không toàn năng.

3. Có lời nói Thiên Chúa biểu lộ tính toàn năng của Ngài nhất là bằng cách tha thứ và thương xót. Bởi đó, hành vi lớn nhất có thể làm đối với năng lực của Thiên Chúa là tha thứ và thương xót. Tuy nhiên, có những việc làm lớn hơn sự tha thứ và thương xót; thí dụ, sáng tạo một thế gian nữa, và những việc tương tự. Vậy Thiên Chúa không toàn năng.

4. Dựa vào bản văn : “Thiên Chúa đã chẳng làm cho sự khôn ngoan thế gian này ra điên dại đó sao?” (1 Cr 1,20). Sách Chú giải nói : “Thiên Chúa làm cho sự khôn ngoan thế gian ra điên dại, bằng cách tỏ bày có thể có các sự vật mà họ cho là bất-khả-hữu” (Glossa Ordin; super 1 Cr 1,20). Do đó, xem ra không có cái gì được phán đoán là khả hữu, hay bất-khả-hữu đối với các nguyên nhân hạ tầng, như sự khôn ngoan của thế gian này phán đoán các sự vật ấy; nhưng đối với năng lực Thiên Chúa. Vậy giả như Thiên Chúa toàn năng, thì tất cả mọi sự vật hẳn đều khả hữu; vậy không có cái gì là bất-khả-hữu. Nhưng nếu ta hủy bỏ bất-khả-hữu, chúng ta phá hủy tất-yếu-hữu; vì cái gì hiện hữu cách tất yếu, không có thể không hiện hữu. Vậy, sẽ không thể có cái gì tất yếu trong các sự vật, nếu Thiên Chúa toàn năng. Nhưng điều này là một bất-khả-hữu. Vậy, Thiên Chúa không toàn năng.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Vì không lời nói nào là bất-khả-hữu đối với Thiên Chúa” (Lc 1,37).

TRẢ LỜI :

Tất cả mọi sự vật đều tuyên xưng Thiên Chúa toàn năng; nhưng xem ra khó giải thích được sự toàn năng của Thiên Chúa cốt tại sự gì. Vì có thể hiện hữu sự nghi ngờ về ý nghĩa chính xác của tiếng “tất cả”, khi chúng ta nói Thiên Chúa có thể làm tất cả mọi sự vật. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét vấn đề này một cách đúng, bởi vì năng lực được nói là có liên hệ với các sự vật khả hữu, câu “Thiên Chúa làm được tất cả mọi sự vật”, được hiểu biết một cách chính xác, thì có nghĩa là Thiên Chúa làm được tất cả mọi sự vật khả hữu; và vì lý do này, mà Ngài được nói là toàn năng. Nhưng, theo Triết gia, một sự vật được nói là khả hữu theo hai thể cách (Metaph.. 4,12). Thể cách một, trong tương quan với năng lực; như vậy, bất cứ cái gì lệ thuộc vào năng lực nhân loại, thì được nói là khả hữu đối với nhân loại; nhưng Thiên Chúa không thể được nói là toàn năng, vì có khả năng làm được mọi sự vật khả hữu đối với bản tính thụ tạo, vì năng lực của Thiên Chúa mở rộng ra hơn thế nữa. Tuy nhiên, giả như chúng ta phải nói Thiên Chúa toàn năng, bởi vì Ngài có thể làm được tất cả mọi sự vật khả hữu đối với năng lực của Ngài, hẳn là có vòng lẫn quẫn, trong sự giải thích bản tính của năng lực Thiên Chúa. Vì điều này nói lên không cái gì khác ngoài sự khẳng định Thiên Chúa toàn năng bởi vì Ngài có khả năng làm được tất cả những cái gì Ngài có khả năng làm.

Bởi đó, còn điều này là Thiên Chúa được gọi là toàn năng, bởi vì Ngài có thể làm tất cả mọi sự vật khả hữu tuyệt đối; đây là thể cách hai nói một sự vật là khả hữu. Vì một sự vật được nói là khả hữu hoặc bất-khả-hữu cách tuyệt đối, tùy theo tương quan mà các từ ngữ chính xác có đối với nhau. Khả hữu, nếu thuộc từ không phải là bất-khả-hợp với chủ từ, như ông Socrates ngồi; và tuyệt đối bất-khả-hữu, khi thuộc từ hoàn toàn bất-khả-hợp với chủ từ, như thí dụ, người ta là con lừa.

Tuy nhiên phải nhớ rằng, bởi vì mỗi tác nhân sản xuất hiệu quả tương tự với chính mình đối với mỗi năng lực chủ động, chỉ có một sự vật khả hữu đối xứng, làm đối tượng riêng của nó, và phù hợp với yếu tính của hành động làm nền tảng cho năng lực chủ động; thí dụ, năng lực đốt nóng có tương quan với sự hiện hữu có thể được đốt nóng, làm đối tượng riêng của nó. Nhưng sự hiện hữu của Thiên Chúa, làm nền tảng cho yếu tính của năng lực Thiên Chúa, thì vô cùng, không bị giới hạn đến một giống hữu thể nào, nhưng chiếm hữu trước trong chính mình sự hoàn hảo của sự hiện hữu toàn vẹn. Do đó, bất cứ cái gì có, hoặc có thể có yếu tính của hữu thể, được kể vào trong các khả hữu tuyệt đối mà đối với chúng, Thiên Chúa được gọi là toàn năng.

Nhưng không cái gì đối lập với ý niệm về hữu thể ngoài phi hữu. Bởi đó, cái gì đồng thời là hữu thể và phi hữu, thì mâu thuẫn với yếu tính của khả hữu tuyệt đối; mà khả hữu tuyệt đối lệ thuộc vào tính toàn năng của Thiên Chúa. Vì cái gì đồng thời là hữu thể và phi hữu không lệ thuộc vào tính toàn năng của Thiên Chúa, không phải vì sự khuyết điểm trong năng lực của Thiên Chúa, nhưng vì nó không có yếu tính của sự vật có thể được làm hoặc của sự vật khả hữu. Do đó, bất cứ sự vật nào không bao hàm sự mâu thuẫn trong các từ ngữ, được kể vào các khả hữu có tương quan với chúng nó, Thiên Chúa được gọi là toàn năng; còn bất cứ cái gì bao hàm sự mâu thuẫn, không vào trong phạm vi tính toàn năng của Thiên Chúa, vì nó không có yếu tính khả hữu. Do đó, chính xác hơn là nói các sự vật thể ấy không thể được làm, hơn là Thiên Chúa không thể làm chúng nó. Và điều này không trái ngược với lời nói của Thiên sứ : “Không lời nói nào là bất-khả-hữu với Thiên Chúa” (Lc 1,37). Vì bất cứ cái gì bao hàm sự mâu thuẫn thì không phải là lời nói, vì không trí năng nào có thể quan niệm một sự vật như thế.

GIẢI ĐÁP :

1. Thiên Chúa được nói là toàn năng về năng lực chủ động, chứ không phải về năng lực thụ động, như người ta đã trình bày trước. Do đó, sự kiện Ngài không thể bị động hay thụ động không mâu thuẫn với tính toàn năng của Ngài

2. Phạm tội là thất bại trong hành động hoàn hảo; do đó, có khả năng phạm tội, là có khả năng lầm lỗi trong hành động, mà lầm lỗi trong hành động là mâu thuẫn với tính toàn năng của Thiên Chúa. Bởi đó, Thiên Chúa không thể phạm tội, vì Ngài toàn năng; song Triết gia nói : Thiên Chúa, bằng cách cố ý, có thể muốn làm điều xấu (Top., 4,5). Nhưng điều này có thể hiểu hoặc là với điều kiện, mà câu tiền đề của điều kiện này là một bất-khả-hữu, thí dụ, như chúng ta nói : Thiên Chúa có thể làm những điều xấu, nếu Ngài muốn. Vì mệnh đề có điều kiện đúng sự thực, mặc dầu cả hai mệnh đề tiền đề và kết luận là bất-khả-hữu, thí dụ, dường như chúng tôi nói : nếu người ta là con lừa, thì nó có bốn chân. Hoặc là Triết gia có lẽ có ý nói Thiên Chúa có thể làm một số sự vật mà bây giờ chúng nó xem ra xấu : Tuy nhiên, các sự vật này, nếu đã do Thiên Chúa làm, thì tốt. Hoặc là Triết gia có thể nói theo thể cách chung của người Lương, quan niệm ta hóa ra Thần, như thần Jupiter hoặc Mercure.

3. Tính toàn năng của Thiên Chúa được biểu lộ cách đặc biệt trong sự tha thứ và thương xót, bởi vì trong việc này được bày tỏ rõ ràng Thiên Chúa có quyền năng tối cao, tức là, Ngài tùy ý tha tội. Vì kẻ nào bị ràng buộc bởi luật của người cấp trên, thì không tùy ý tha tội được. Hoặc tính toàn năng của Thiên Chúa được bày tỏ bằng cách tha thứ và thương xót nhân loại, Ngài dẫn đưa họ đến thông phần sự tốt của Ngài; đó là hiệu quả cuối cùng của năng lực của Ngài. Hoặc tính toàn năng của Thiên Chúa được bày tỏ vì, như đã nói trước, hiệu quả của sự nhân từ của Ngài là nền tảng của tất cả mọi công việc của Ngài (Q.4, a.4). Vì không cái gì là vật mắc nợ của người nào, ngoài ra vì một sự vật nào đó đã được Thiên Chúa cho không người đó. Theo thể cách này, tính toàn năng của Thiên Chúa một cách đặc biệt được bày tỏ rõ ràng, vì nguồn gốc đầu tiên của tất cả mọi sự vật tốt thuộc về nó.

4. Khả hữu tuyệt đối được gọi như thế không phải hoặc vì có tương quan với các nguyên nhân cao hơn hoặc với các nguyên nhân thấp hơn, nhưng vì có tương quan với chính mình. Những cái gì được gọi là khả hữu trong tương quan với một năng lực nào, thì được gọi là khả hữu trong tương quan với nguyên nhân gần của nó. Do đó, các sự vật mà tại sự chỉ được làm trực tiếp bởi Thiên Chúa mà thôi, như thị dụ, sáng tạo, công-chính-hóa, và các tương tự, được gọi là khả hữu trong tương quan với nguyên nhân cao hơn. Vì tùy theo điều kiện của nguyên nhân gần mà hiệu quả có bất-tất-tính hoặc tất-yếu-tính, như đã trình bày trước (Q.14, a.13, ad.1). Vậy sự khôn ngoan thế gian bị cho là điên khùng, vì điều bất-khả hữu đối với bản tính, nó phán đoán là bất-khả-hữu đối với Thiên Chúa. Vậy, rõ ràng là tính toàn năng của Thiên Chúa không bị lấy đi khỏi các sự vật bất-khả-hữu-tính hoặc tất-yếu-tính của chúng nó.

 

Tiết 4

THIÊN CHÚA CÓ THỂ LÀM NHỮNG CÁI GÌ ĐÃ QUA,

ĐÃ KHÔNG HIỆN HỮU KHÔNG?

 

VẤN NẠN :

Xem ra Thiên Chúa có thể làm cho cái dĩ vãng, đã không hiện hữu.

1. Cái gì bất-khả hữu tại sự thì là bất-khả-hữu lớn hơn cái bất-khả-hữu ngẫu trừ (per accidens). Nhưng Thiên Chúa có thể làm cái gì bất-khả hữu tại sự, như cho người mà được thấy, hoặc cho người chết sống lại. Bởi đó hoàn toàn Thiên Chúa càng có thể làm cái gì chỉ là bất-khả-hữu ngẫu trừ : việc ông Socrates không chạy là bất-khả-hữu ngẫu trừ, do sư kiện sự chạy của ông này là một cái gì của dĩ vãng. Vậy, Thiên Chúa có thể làm cho cái dĩ vãng đã không hiện hữu.

2. Xem ra, cái gì Thiên Chúa đã có thể làm, thì Ngài có thể làm bây giờ, vì năng lực của Ngài không bị kém đi. Nhưng Thiên Chúa đã có thể, trước khi Socrates đã chạy, làm cho Socrates không chạy. Vậy, sau khi ông Socrates đã chạy rồi, Thiên Chúa có thể làm cho Socrates đã không chạy.

3. Đức mến là nhân đức lớn hơn sự đồng trinh. Mà Thiên Chúa có thể hoàn lại đức mến đã bị làm mất; do đó, Ngài cũng có thể hoàn lại sự đồng trinh đã bị làm mất. Nên Ngài có thể làm cho người đã mất trinh, đã không mất trinh. 

TRÁI LẠI :

Thánh Giêrônimô nói : Dầu Thiên Chúa có thể làm hết tất cả mọi sự vật, Ngài vẫn không có thể làm cho người đàn bà đã bị hư hỏng, trở thành người đàn bà không hư hỏng (Epist. 22). Cũng một lẽ đó, Thiên Chúa không thể làm cho cái gì đã qua thành cái chưa hiện hữu.

TRẢ LỜI :

Như đã nói trước, không cái gì bao hàm sự mâu thuẫn, mà thuộc về phạm vi của tỉnh toàn năng Thiên Chúa (Q.7. a.2 ad 1). Vì như có mâu thuẫn khi nói Socrates đang ngồi và không đang ngồi, thì cũng có mâu thuẫn, nếu nói ông Socrates đã ngồi và đã không ngồi. Nhưng nói ông đã ngồi thật sự, tức là nói sự ngồi đã xảy ra trong dĩ vãng. Nói ông đã không ngồi, tức là nói sự ngồi đã không xảy ra trong dĩ vãng. Do đó, những cái gì đã qua, mà đã không hiện hữu, không thuộc về phạm vi năng lực của Thiên Chúa. Đây là điều mà thánh Augustinô muốn nói lên, khi ông nói : Bất cứ ai nói thế này : nếu Thiên Chúa toàn năng, Ngài hãy làm cho những sự gì đã được làm đã không được làm, người đó không nhận thấy chính mình nói điều này : Nếu Thiên Chúa toàn năng, Ngài hãy làm cho những điều thật do chính sự kiện chung no that. không thật (Contra. faust, 25,5). Và Triết gia nói : “Thiên Chúa chỉ thiếu một điều duy nhất này mà thôi, là không thể biến những cái gì đã được làm, thành ra không được làm” (Eth., 6,2).

GIẢI ĐÁP :

1. Dầu cái dĩ vãng mà đã không hiện hữu là bất-khả-hữu ngẫu trừ, nếu người ta xem xét sự thật dĩ vãng tại sự, (như, thí dụ, sự chạy của Socrates); tuy nhiên, nếu sự vật dĩ vãng được xem xét là dĩ vãng, việc cái dĩ vãng có thể đã không hiện hữu, là bất-khả-hữu không những tại sự, mà còn cách tuyệt đối, vì nó bao hàm sự mâu thuẫn. Như thế, nó bất-khả-hữu hơn sự sống lại của một người chết, vì trong sự sống lại này không có gì mâu thuẫn, vì sự sống lại này có là bất-khả-hữu trong tương quan với năng lực nào, nghĩa là, với năng lực tự nhiên nào; vì các sự vật bất-khả-hữu thể ấy, thật sự ở trong phạm vi của năng lực Thiên Chúa.

2. Như Thiên Chúa, một cách phù hợp với sự hoàn hảo năng lực mình, có thể làm được mọi sự vật, mà còn một số sự vật không lệ thuộc vào năng lực Ngài, bởi vì chúng nó không có sự hiện hữu khả hữu; cũng vậy, nếu chúng ta xem xet bất-dịch-tính của năng lực Thiên Chúa, bất cứ cái gì Ngài đã có thể làm, thì Ngài có thể làm bây giờ. Tuy nhiên, một số sự vật, đã có một thời gian nào đó, ở trong lĩnh vực của khả-hữu-tính, đang khi chúng nó chưa được làm: nhưng chúng nó bảy giờ không có sự hiện hữu khả hữu, vì chúng nó đã được làm rồi. Vậy Thiên Chua được nói là không có khả năng làm chúng nó, vì chính chúng nó không có thể được làm.

3. Thiên Chúa có thể lấy đi tất cả sự hư hỏng của tâm trí và của thể xác khỏi người phụ nữ đã bị mất trinh; nhưng sự kiện người phụ nữ ấy đã bị mất trinh thì không thể được lấy đi khỏi người này. Cũng vậy, Thiên Chúa có thể hoàn lại đức mến cho tội nhân; còn sự kiện tội nhân đã phạm tội và làm mất đức mến, Ngài không lấy đi khỏi họ được.

 

Tiết 5

THIÊN CHÚA LÀM ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU NGÀI KHÔNG LÀM ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra Thiên Chúa chỉ có thể làm điều Ngài làm.

1. Thiên Chúa không có thể làm điều mà Ngài không tiền-tri-thức và cũng không sắp đặt trước Ngài sẽ làm. Mà Ngài cũng không tiền-tri-thức, cũng không sắp đặt trước Ngài sẽ làm cái gì, ngoài điều Ngài làm. Bởi đó, Thiên Chúa chỉ có thể làm cái mà Ngài làm.

2. Thiên Chúa chỉ có thể làm cái gì Ngài phải làm và điều mà đúng lý được làm. Mà Thiên Chúa không phải làm điều Ngài không làm; cũng không đúng lý Ngài làm điều Ngài không làm. Vậy, Thiên Chúa chỉ có thể làm điều Ngài làm.

3. Thiên Chúa không có thể làm cái gì mà không phải là sự sáng tạo tốt và thích hợp. Mà điều này không tốt đối với các thụ tạo, cũng không thích hợp với chúng nó, là hiện hữu cách khác chúng nó đang hiện hữu. Vậy, Thiên Chúa chỉ có thể làm điều Ngài làm.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Con nghĩ Thầy không xin được Cha Thầy sai ngay 12 đạo quân thiên thần đến với Thầy sao ?” (Mt 26,53). Nhưng Chúa Giêsu đã không xin 12 đạo quân, và Đức Chúa Cha cũng không đem 12 đạo quân đến để chống lại dân Do thái. Vây Thiên Chúa có thể làm điều Ngàikhông làm.

TRẢ LỜI :

Trong vấn đề này, một số người lầm lạc theo hai thể cách. Những người này chủ trương Thiên Chúa dường như hành động do tất-yếu-tính tự nhiên; do đó, như do hành động của các sự vật thiên nhiên không cái gì khác xảy đến ngoài cái hiện đang xảy đến, thí dụ, do tinh trùng của nhân loại, nhân loại đến; và do hạt giống cây ôliu, cây ôliu đến, cũng vậy do hành động của Thiên Chúa, không thể xảy đến những sự vật nào khác, cũng không xảy đến trật tự nào khác ngoài cái hiện hữu hiện giờ. Nhưng chúng ta đã chứng tỏ ở trước Thiên Chúa không hành động do tất-yếu-tính tự nhiên, nhưng ý chí của Thiên Chúa là nguyên nhân của mọi sự vật (Q.19, a.3). Chúng ta cũng đã trình bày ý chí của Thiên Chúa không phải bằng cách nguyên thường và do tất-yếu-tính nào, bị quyết định đối với các thụ tạo này. Do đó, không một thể cách nào mà trật tự ấy hiện nay của các sự vật tất yếu phát xuất từ Thiên Chúa đến nỗi các sự vật khác không thể đến hiện hữu.

Tuy nhiên, những người khác nói năng lực của Thiên Chúa bị hạn chế trong trật tự hiện tại này của các sự vật, vì sự sắp đặt của sự khôn ngoan và sự công bình của Thiên Chúa, vì không có hai ưu phẩm này, Thiên Chúa không làm cái gì hết. Nhưng, bởi vì năng lực của Thiên Chúa, tức là yếu tính của Ngài, không gì khác ngoài sự khôn ngoan của Ngài, nên thật sự có thể nói một cách thích hợp rằng không có cái gì trong năng lực của Thiên Chúa, mà không ở trong trật tự đã được sự khôn ngoan của Thiên Chúa ý niệm; vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa bao hàm trọn vẹn năng lực của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trật tự đã được thiết lập trong các sự vật thụ tạo, do sự khôn ngoan của Thiên Chúa, mà sự công bình của Thiên Chúa cốt tại trật tự này, như đã trình bày trước (q.21, a.4), không do sự khôn ngoan của Thiên Chúa một cách dường ấy, đến nỗi sự khôn ngoan có thể bị hạn chế ở nó. Vì rõ ràng điều này là trọn vẹn ý niệm về trật tự mà người khôn ngoan đã sắp đặt trên công việc của mình, lệ thuộc vào mục đích đã được người này theo đuổi. Vậy, khi mục đích theo đúng tỉ lệ đích thực với các sự vật được tạo nên vì mục đích ấy, sự khôn ngoan của tác nhân bị hạn chế ở trật tự bị hạn định này. Nhưng thiện tính của Thiên Chúa là một mục đích vượt qua các sự vật thụ tạo, ở bên ngoài mọi tỉ lệ. Bởi đó, sự khôn ngoan của Thiên Chúa không bị hạn chế dường ấy với một trật tự đặc thù nào đến nỗi không trật tự nào khác của các sự vật có thể phát xuất do nó. Vậy, chúng ta phải nói cách tuyệt đối rằng Thiên Chúa có thể làm những sự vật khác với các sự vật Ngài đã làm.

GIẢI ĐÁP :

1. Ở trong chính chúng ta, năng lực và yếu tính phân biệt với ý chí và trí năng, và trí năng phân biệt với sự khôn ngoan, và ý chí thì phân biệt với sự công chính, thì một sự vật nào có thể ở trong năng lực chúng ta, mà nó không ở trong ý chí công chính hoặc không ở trong trí năng khôn ngoan. Nhưng ở trong Thiên Chúa, năng lực, yếu tính, ý chí, trí năng, sự khôn ngoan và sự công chính là đồng nhất và duy nhất. Do đó, không thể gặp thấy cái gì ở trong năng lực của Thiên Chúa, mà không gặp thấy ở trong ý chí công chính của Thiên Chúa, hoặc ở trong trí năng khôn ngoan của Thiên Chúa. Nhưng, bởi vì ý chí của Thiên Chúa không thể bị nhất định do tất-yếu-tính đến với trật tự này, hoặc trật tự kia, ngoài trường hợp giả thiết, như đã trình bày trước (Q.9, a.3); và bởi vì sự khôn ngoan và sự công chính của Thiên Chúa không bị hạn định đối với trật tự hiện hữu này, như đã trình bày trước; vì lý do này, không cái gì ngăn cản có một sự vật nào trong năng lực của Thiên Chúa, là sự vật Ngài không muốn và sự vật này không được bao hàm gồm trong trật tự đã được Ngài thiết lập trong các sự vật. Hơn nữa, vì năng lực được coi như là thi hành, ý chí được coi như là ra lệnh, và trí năng cùng sự khôn ngoan được coi là hướng dẫn : một cái gì được chỉ về năng lực Thiên Chúa được xem xét trong chính nó, thì Thiên Chúa được nói là có khả năng làm cái đó, một cách phù hợp với năng lực tuyệt đối của Ngài. Hạng sự vật như thế bao gồm tất cả mọi sự vật nói lên yếu tính của hữu thể, như đã nói trước. Đàng khác, cái gì được chỉ về năng lực của Thiên Chúa, như nó thi hành mệnh lệnh của ý chí chân chính, thì Thiên Chúa được nói là làm điều ấy nhờ năng lực được sắp đặt. Theo thể cách này, chúng ta phải nói nhờ năng lực tuyệt đối của Thiên Chúa, thì Ngài có thể làm những sự vật khác các sự vật mà Ngài đã tiền-tri-thức và sắp đặt trước để làm. Nhưng không có thể xảy ra Thiên Chúa có thể làm một cái gì mà Ngài không tiền-tri-thức và không sắp đặt trước để làm. Vì sự làm của Ngài lệ thuộc vào sự tiền-tri-thức và sắp đặt trước, đầu năng lực của Ngài, tức là, bản tính của Ngài, thì không. Vì Thiên Chúa làm các sự vật, bởi vì Ngài muốn như vậy; nhưng Ngài có thể làm như vậy, không phải bởi vì Ngài muốn như vậy, nhưng bởi vì Ngài là thể ấy trong bản tính của Ngài.

2. Thiên Chúa không bị ràng buộc với người nào, và Ngài chỉ bị ràng buộc với chính Ngài thôi. Do đó, khi nói Thiên Chúa chỉ có thể làm điều Ngài phải làm, thì không có ý nói cái gì khác ngoài việc Ngài chỉ có thể làm điều gì là thích hợp và đúng lý đối với Ngài. Nhưng các từ ngữ thích hợp và đúng lý có thể được hiểu hai cách. Thể cách một, trong sự liên quan trực tiếp với động từ “là” ở thì hiện tại thường; và như vậy, các từ ngữ này bị hạn chế trong việc chỉ thị trật tự hiện nay của các sự vật. Bởi đó, chúng liên quan đến năng lực Thiên Chúa với sự hạn chế này. Trong trường hợp đó, điều được nói trong vấn nạn thì sai, vì ý nghĩa của chúng là Thiên Chúa không làm cái gì ngoài cái hiện giờ thích hợp và đúng lý. Tuy nhiên, nếu thích hợp và đúng lý một cách trực tiếp liên kết với động từ “có thể” là động từ có sức mở rộng sự ứng dụng của chúng và sau đó, liên kết với động từ “là”, thì có nghĩa là một cái gì hiện tại được biểu lộ theo một thể cách bất định và tổng quát. Vậy cái mệnh đề đó có nghĩa thế này : Thiên Chúa không có thể làm cái gì mà nó không thích hợp và đúng lý, nếu như Ngài làm nó.

3. Dầu cái trật tự hiện tại của các sự vật bị hạn chế đối với cái gì đang hiện hữu, thì năng lực Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa không bị hạn chế như vậy. Do đó, dầu không một trật tự khác có thể được thích hợp và tốt cho các sự vật hiện hữu; Thiên Chúa vẫn có thể tạo nên các sự vật khác và sắp đặt một trật tự khác cho chúng nó.

 

Tiết 6

THIÊN CHÚA CÓ THỂ LÀM TỐT HƠN ĐIỀU NGÀI LÀM KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra Thiên Chúa không có thể làm tốt hơn điều Ngài đang làm.

1. Bất cứ cái gì mà Thiên Chúa làm, Ngài làm theo một thể cách đầy năng lực và khôn ngoan hơn hết. Nhưng một sự vật được làm bằng cách càng đầy năng lực và càng khôn ngoan, nó càng tốt hơn nhiều. Bởi đó, Thiên Chúa không có thể làm cái gì tốt hơn Ngài đang làm.

2. Thánh Augustinô lý luận : Giả như Thiên Chúa có thể, nhưng Ngài không muốn, sinh sản một người Con Trai là Đấng ngang hàng với Ngài, hẳn là Ngài đã ganh tị (Contra Maximim., 2,7). Vì cũng một lý do này, giả như Thiên Chúa tạo các sự vật tốt hơn Ngài đã làm, nhưng Ngài đã không muốn làm như vậy, hẳn là vì Ngài đã ganh tị. Nhưng sự ganh tị đã được hủy bỏ khỏi Thiên Chúa. Vậy, Thiên Chúa đã làm tất cả mọi sự vật hoàn hảo. Nên Ngài không có thể tạo nên sự vật tốt hơn Ngài đã làm.

3. Cái gì rất tốt và tốt hơn hết mọi sự vật, không thể được làm hóa ra tốt đẹp hơn: vì không cái gì tốt hơn cái tốt nhất. Nhưng như thánh Augustinô nói : Mỗi sự vật được Thiên Chúa tạo thành, đều tốt, và được nhìn chung tất cả, chúng rất tốt; bởi vì chúng tất cả là nền tảng của sự đẹp đẽ kỳ diệu của vũ trụ (Enchir. 10). Vậy, sự tốt của vũ trụ không thể được Thiên Chúa biến thành tốt hơn.

4. Đức Kitô, với tính cách là con người, thì đầy ân sủng và chân lý, và chiếm hữu Thánh Thần một cách không thể đo lường; và như vậy. Ngài không thể được làm ra tốt hơn. Lại nữa, hạnh phúc thụ tạo được mô tả là sự tốt cao quy nhất: và như vậy, không thể ra tốt hơn. Và Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh được nâng lên cao trên tất cả các phẩm Thiên Thần: và như vậy, không có thể nên tốt hơn Người đang hiện hữu. Do đó. Thiên Chúa không có thể làm cho tất cả mọi sự vật nên tốt đẹp hơn Ngài đã tạo thành chúng nó.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Đấng quyền năng làm được mọi sự một cách phong phú hơn điều ta ước muốn và hiểu biết” (Ep 3,20).

TRẢ LỜI :

Bất cứ sự vật nào cũng có hai thứ thiện tính : thiện tính thứ nhất, thuộc về yếu tính của nó : có trí năng thuộc về yếu tinh nhân loại. Đối với sự tốt này. Thiên Chúa không thể làm cho một sự vật tốt hơn là chính nó, dầu Ngài có thể tạo nên sự vật khác tốt hơn nó. Cũng theo một thể cách, Ngài không có thể tạo nên số bốn lớn hơn nó đang hiện hữu, bởi vì, nếu nó lớn hơn, nó sẽ không còn là số bốn, nhưng là một số khác. Vì cộng một dị biệt thuộc bản thể trong các lời định nghĩa, đó là theo thể cách cộng đơn vị cho các số (Aristote. Metaph.. 7.3). Thin tính thứ hai, là cái gì ở trên và ở lên trên yếu tính; vậy sự tốt của một người, là có nhân đức hoặc khôn ngoan. Đối với thứ thiện tính này, Thiên Chúa có thể làm cho sự vật tốt hơn Ngài đã làm. Tuy nhiên, nói cách tuyệt đối, Ngài có thể làm một sự vật nào khác tốt hơn mỗi sự vật Ngài đã tạo thành.

GIẢI ĐÁP :

1. Khi nói Thiên Chúa có thể làm cho các sự vật tốt hơn điều Ngài đã làm, nếu cái tốt hơn được hiểu cách bản thể, thì mệnh đề này đúng. Vì Ngài luôn luôn có thể làm nên một sự vật nào khác tốt hơn sự vật cá thể đang hiện hữu. Còn làm cho cũng một sự vật ra tốt hơn theo một thể cách khác, thì Ngài không có thể, như đã trình bày trên. Tuy nhiên, nếu “cái tốt hơn” được hiểu biết như một trạng từ, liên hệ với thể cách hoạt động của Thiên Chúa. Thiên Chúa không có thể làm cho một sự vật nào tốt hơn Ngài làm nó, vì Ngài không có thể làm nó do sự khôn ngoan lớn hơn và thiện tính lớn hơn. Cuối cùng, nếu “cái tốt hơn” bao hàm thể cách của sự vật hiện hữu, trong các sự vật mà Thiên Chúa đã tạo thành, Ngài có thể làm cho sự vật nào tốt hơn; vì Ngài có thể cho các sự vật đã được tạo thành, một thể cách tốt hơn về sự hiện hữu đối với các tùy thể, dầu không đối với bản thể.

2. Điều này thuộc về bản tính của người con, là ngang hàng với cha mình, khi tới tuổi trưởng thành. Nhưng điều này không thuộc về bản tính của sự vật thụ tạo nào, là nó có thể tốt hơn nó đã được Thiên Chúa tạo thành. Do đó, sự so sánh té nhào.

3. Với các sự vật đang hiện hữu hiện giờ, vũ trụ không thể nên tốt hơn, vì trật tự đã được thiết lập trong các sự vật mà trật tự được coi là nền tảng của sự tốt trong vũ trụ, thích hợp các sự vật. Vì giả như một sự vật được làm cho tốt hơn, hẳn là tỷ lệ trong trật tự của vũ trụ bị phá hủy; như một dây đờn được căng thêm hơn sự phải làm, âm điệu của thụ cầm bị phá hủy. Những Thiên Chúa có thể làm các sự vật khác, hoặc thêm một sự vật gì cho các thụ tạo hiện tại; và như vậy có thể có một vũ trụ khác và tốt đẹp hơn.

4. Một phẩm cách vô cùng được gây ra bởi sự tốt vô cùng, tức là bởi Thiên Chúa, theo một thể cách nào đó, phẩm cách này được chiếm hữu bởi nhân tính của Đức Kitô, bởi vì nhân tính này được hợp nhất với Thiên Chúa, phẩm cách này còn được chiếm hữu bởi hạnh phúc thụ tạo, vì hạnh phúc thụ tạo là thưởng thức Thiên Chúa; và phẩm cách này cũng còn được chiếm hữu bởi Đức Nữ Đồng trinh, bởi vì Người là Mẹ Thiên Chúa. Do quan điểm này, không cái gì tốt hơn các sự vật này, mà có thể được tạo nên; như không có cái gì tốt hơn Thiên Chúa.

 


CÂU HỎI 26
CÂU HỎI 24

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt