PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN
CHÚ GIẢI DẪN NHẬP
NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN MỤC ĐÍCH LUẬN (PHẦN II CỦA TÁC PHẨM)
BÙI VĂN NAM SƠN
Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 392-398. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.
Thật “bất công” đối với Kant nếu ta – theo thói quen của không ít người đọc – chỉ dừng lại ở §60 khi đọc tác phẩm này! Thật thế, không phải ngẫu nhiên khi Kant nối kết phần phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ (phần I) với việc nghiên cứu về năng lực phán đoán mục đích luận (phần II) thành một toàn bộ để tát cạn khái niệm của mình về “năng lực phán đoán”. Với chức năng “môi giới” giữa lý tính lý thuyết và lý tính thực hành, phần II này khảo sát năng lực phán đoán ở lĩnh vực rộng lớn của thế giới tự nhiên vô cơ và hữu cơ; rồi trong phần “Học thuyết về phương pháp về năng lực phán đoán mục đích luận” (§§79-91) – phần cuối rất dày dặn của quyển sách –, Kant lại dựa trên khả năng phản tư của năng lực phán đoán để thử nghiệm một cái nhìn về toàn bộ hệ thống của tri thức. Chính ở đây, Kant mở ra nhiều viễn tượng mới, thật sự gửi gắm nhiều suy tư bằng tầm nhìn đích thực của một đại triết gia. Khuôn khổ của “Chú giải dẫn nhập” chỉ cho phép tóm lược ngắn gọn các ý chính như đã làm trước nay(1), nhưng hoàn toàn không có nghĩa là xem nhẹ phần II này. 5.1 Phân tích pháp về phán đoán mục đích luận (§§62-68) Để dễ hiểu phần này, ta nên nhớ lại phần Phân tích pháp về cái đẹp trước đây, nhất là ở tiết 3 về phương diện tương quan với các mục đích (§§10-17; Chú giải dẫn nhập 1.1.3). Ở đó, Kant đã giới thiệu khái niệm về mục đích và về tính hợp mục đích cùng với các phân biệt quan trọng. - Phần “Phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ”, như vừa nhắc trên, đã bàn về tính hợp mục đích chủ quan của những đối tượng. Tính hợp mục đích chủ quan có hai loại: + có thể được cảm nhận như là sự kích thích, hấp dẫn đối với giác quan (“X là dễ chịu” = tính hợp mục đích chủ quan chất liệu), hoặc + có thể được phán đoán, đánh giá bằng sở thích (“X là đẹp” = tính hợp mục đích chủ quan hình thức). Trong cả hai trường hợp, điều quan trọng là ý nghĩa của những biểu tượng hay của những đối tượng đối với chủ thể. Còn tính chất (khách quan) của bản thân đối tượng không giữ vị trí trung tâm của phán đoán về tính hợp mục đích chủ quan. - Bây giờ, bên cạnh tính hợp mục đích chủ quan ấy, Kant bàn về tính hợp mục đích khách quan của những đối tượng hay của những biểu tượng về đối tượng. Tính hợp mục đích khách quan này sẽ được phần Phê phán năng lực phán đoán mục đích luận chia nhỏ ra nữa. Ta có sơ đồ tổng quát như sau:
- Tính hợp mục đích khách quan hình thức: Kant nêu ví dụ: các hình thể hình học (§62, B272-273). Nơi các hình thể này, ta có thể thấy nhiều tỉ lệ khác nhau có tính hợp mục đích. Tính hợp mục đích ấy là khách quan, vì nó liên quan đến mối quan hệ của nhiều bộ phận nhất định của các đối tượng với nhau. Nó là hình thức vì: tuy ta có thể nói rằng các tỉ lệ của đối tượng là ở trong một mối quan hệ có thể nắm bắt được một cách rõ ràng về mặt khái niệm, nhưng ta lại không thể khẳng định rằng đặc điểm tỏ ra là hợp mục đích ấy nơi các hình thể hình học thực hiện các mục đích cụ thể nào. Chẳng hạn: ta có thể thấy rằng mọi điểm của chu vi hình tròn cách đều với tâm hình tròn như là đặc tính hợp mục đích của hình thể ấy. Nhưng ta không thể nói rằng sự kiện này nhằm thực hiện một mục đích nhất định nào. - Tính hợp mục đích khách quan chất liệu (§§63 và tiếp) Ở đây, Kant nêu lên một sự phân biệt cực kỳ quan trọng không chỉ cho nội dung nghiên cứu của cả phần II mà còn có ý nghĩa khoa học luận lâu dài. Ông phân biệt giữa tính hợp mục đích tương quan hay tương đối (với những sự vật khác và tính hợp mục đích nội tại (B280 và tiếp). + tính hợp mục đích tương quan: thay vì dùng thuật ngữ nặng nề, dài dòng (tính hợp mục đích khách quan-chất liệu-tương quan!), ta có thể rút gọn như một cách dùng chữ của Kant trong phần này: “tính hữu ích” hay “tính phù hợp” (B280) của một sự vật đối với những sự vật khác. Kant có thể kể ra vô số ví dụ: trong các xứ lạnh, tuyết bảo vệ hạt giống; lụt của sông Nil (hay sông Hồng, sông Cửu Long ở ta) vun bồi phù sa cho cả vùng châu thổ; thậm chí các giống dân ở vùng Bắc cực băng giá vẫn tìm thấy được thực phẩm, chất đốt, áo quần… khiến nhìn ở đâu ta cũng thấy ở trong Tự nhiên dường như đều có những mối quan hệ hữu ích hay “hợp mục đích”. Nhưng, khi Kant gọi tính hợp mục đích này là “tương quan” hay “ngoại tại”, ông lưu ý rằng: qua những sự quan sát ấy, tuy ta có thể biết thêm ít nhiều về sự vật nhưng không thể nhờ đó mà có được những lời giải thích hay định nghĩa đích thực về những đối tượng ấy. Tính hữu ích và tính phù hợp tỏ ra là các mối quan hệ ngẫu nhiên, bất tất, không thể dùng để tìm hiểu sự vật một cách chặt chẽ. Chẳng hạn ta không thể bảo nhờ có tuyết mà hạt giống mới được bảo vệ chống lại băng giá, vì rõ ràng có những vùng có tuyết nhưng chẳng có dấu vết nào của ngành nông nghiệp cả. Do đó, định nghĩa hay giải thích về tuyết phải khác chứ không thể dựa vào việc mô tả có tính mục đích luận này. Còn bảo Tự nhiên “chăm lo” cho con người ngay cả ở những vùng khắc nghiệt nhất lại là một khẳng định quá “tự phụ” (B309), vì “có một điều ta không thấy rõ, đó là tại sao con người, nói chung, lại phải sống ở vùng đó (…). Tại sao ta không chịu thấy rằng chính sự bất hòa gay gắt nhất giữa con người với nhau có thể đã đẩy con người đến chỗ ly tán và phải phiêu bạt đến những vùng đất khắc nghiệt ấy?” (B284). - Bước tiếp theo, Kant bàn về khái niệm: tính hợp mục đích nội tại (nói đầy đủ: “tính hợp mục đích khách quan-chất liệu-nội tại!”). Hình thức hợp mục đích thật sự đáng chú ý này có thể được tìm thấy trong những đối tượng được Kant gọi là “những mục đích tự nhiên” (Naturzwecke) (§64). Chính “mục đích tự nhiên” này mới là trung tâm điểm của cuộc thảo luận về Mục đích luận của Kant. Ông muốn nói gì với thuật ngữ này? Ông viết: “… một sự vật tồn tại như là mục đích tự nhiên khi nó vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của chính nó” (B286). Thoạt nhìn, định nghĩa này khá lạ lùng. Ta quen với quan niệm rằng nguyên nhân thường đi trước kết quả về mặt thời gian. Làm sao “vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của chính nó” được? Kant nêu nhiều ví dụ để giải thích: một cái cây, xét như một cá thể, tự sản sinh chính mình, bằng cách liên tục hấp thu dưỡng chất từ môi trường chung quanh và sử dụng cho sự tăng trưởng của chính nó. Việc xử lý dưỡng chất là nguyên nhân của sự tăng trưởng. Nhưng kết quả của nguyên nhân này, tức sự duy trì các chức năng sống, đến lượt nó, không gì khác hơn là nguyên nhân hay điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng tiếp tục. Kant cho rằng, sự nối kết nguyên nhân-kết quả này không thể được xác định đầy đủ trong khuôn khổ các cách giải thích nhân quả có tính cơ giới. Với nhận định này, khái niệm về Mục đích luận trở nên hấp dẫn và sôi động. 5.2 Quan hệ giữa nguyên tắc nhân quả và mục đích luận Cuộc thảo luận xoay quanh câu hỏi: phải chăng ta giải thích Tự nhiên một cách “cơ giới” đơn thuần với sơ đồ nhân-quả hoặc ta vẫn có thể đề cập tới các mục đích trong các khoa học tự nhiên? Cần phải làm rõ: sự mô tả mục đích luận có ý nghĩa như thế nào? Phải chăng nó có tính “cấu tạo” (konstitutiv) cho việc hình thành nhận thức của ta hay chỉ là một phương cách quan sát bổ sung? Khái niệm về việc giải thích nhân quả dựa trên một sự tin chắc phổ biến rằng không có gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Theo Kant, nguyên tắc nhân quả (hay quy luật nhân quả như cách gọi trong khoa học tự nhiên) không phải là một mệnh đề thường nghiệm, nghĩa là không thể sở đắc được bằng kinh nghiệm, trái lại, là một nguyên tắc “tổng hợp tiên nghiệm” từ phạm trù nhân quả của giác tính. Chỉ trên cơ sở giả định một mối quan hệ nhân quả ta mới có khả năng giải thích và lĩnh hội các kinh nghiệm nhất định (ở đây, ta không có điều kiện bàn sâu về quan niệm “nhân quả” của Kant. Xin xem lại: Kant, Phê phán lý tính thuần túy; Các loại suy của kinh nghiệm, B218 và tiếp). Vậy, “cơ chế máy móc hay mù quáng của Tự nhiên” (B284) theo cách nói của Kant quan hệ như thế nào với việc giải thích nhân quả? Với thuật ngữ “cơ chế của Tự nhiên” (Naturmechanismus) (hay “cơ giới luận về Tự nhiên”), Kant biểu thị quan niệm về Tự nhiên như là một hệ thống cơ giới. Hệ thống này là “cơ giới”, “máy móc”, vì những yếu tố của nó là những vật thể mà thông qua sự tác động qua lại của chúng, những tiến trình tự nhiên có thể giải thích được. Vật lý học của Newton là môn học đã sử dụng phương cách giải thích nhân quả cơ giới một cách mẫu mực và được Kant xem là phương cách điển hình cho việc xây dựng lý thuyết khoa học. Ở §65, Kant đặt hai phương cách giải thích đối diện nhau để soi sáng khái niệm của ông về “mục đích tự nhiên”: “Sự nối kết nhân quả (…) là một sự nối kết tạo nên một chuỗi luôn quy tiến (của các nguyên nhân và kết quả); và những sự vật, với tư cách là kết quả, tiền giả định những sự vật khác như là các nguyên nhân của mình thì không thể đồng thời lại là các nguyên nhân của các nguyên nhân này được theo kiểu tương hỗ. Ta gọi loại nối kết nhân quả này là sự nối kết của những nguyên nhân tác động (nexus effectivus). Nhưng, ngược lại, ta cũng có thể suy tưởng về một sự nối kết nhân quả dựa theo một khái niệm của lý tính (về các mục đích); sự nối kết ấy, xét như một chuỗi, lại có sự phụ thuộc lẫn nhau theo chiều xuôi lẫn chiều ngược, trong đó sự vật được gọi là kết quả cũng có thể xứng đáng được xem là nguyên nhân của cái mà bản thân nó là kết quả (…). Ta gọi một sự nối kết nhân quả như thế là sự nối kết của các nguyên nhân mục đích (nexus finalis)” (B289-290). Cách nói rắc rối của Kant về loại nối kết nhân quả thứ hai này chính là trường hợp ta đã bàn ở 1.1.3.1 khi nói về anh A vì muốn làm giàu nên mở cửa tiệm hay sản xuất một món hàng. Cửa tiệm hay món hàng là nguyên nhân của lợi nhuận, đồng thời sự hình dung về lợi nhuận là nguyên nhân của việc mở cửa tiệm hay sản xuất món hàng. Nói giản dị hơn, thay vì sơ đồ nguyên nhân-kết quả, ta dùng sơ đồ mục đích-phương tiện: cửa hàng là phương tiện để anh A thực hiện mục đích (lợi nhuận). - Vấn đề đặt ra là: khi nói về mục đích và phương tiện trong lĩnh vực hoạt động của con người, ta thường nói đến ý đồ, dự tính, động cơ và ý chí của người hành động. Trong khi đó, khi nói về những đối tượng của giới Tự nhiên (như cái cây trong ví dụ của Kant), ta không rõ ai là kẻ định ra các mục đích ấy? Chẳng lẽ Kant lại bỏ tinh thần phê phán để quay trở lại với tư duy “siêu hình học giáo điều” để quy hết về cho một Thượng đế sáng tạo? Không! Ông tìm một cách nói ẩn dụ khác, đó là “kỹ thuật của Tự nhiên” (Technik der Natur) như thể bản thân giới Tự nhiên tự theo đuổi các mục đích của chính mình và thực hiện chúng dựa vào “phương tiện” là những sản phẩm tự nhiên. Liệu ta có thể chấp nhận một cách nói dù là “ẩn dụ” ấy? Cách nói như thế có làm rối thêm cho lĩnh vực vốn sáng sủa của việc nghiên cứu tự nhiên? Lý do khiến Kant bàn về mục đích luận này, như đã nói, là ông thấy lối giải thích đơn thuần cơ giới không đủ để giải thích thỏa đáng và trọn vẹn về một số lĩnh vực đối tượng nhất định trong Tự nhiên. Theo ông, mục đích luận không phải là một đối thủ cạnh tranh với tính nhân quả mà là sự bổ sung cho nó. Kant tuyệt nhiên không nghi ngờ hay vi phạm ý nghĩa quan trọng và tính chính đáng của lối giải thích nhân quả cơ giới. Kant chỉ đặt mục đích luận như là một hình thức cơ bản cần lưu tâm tới khi mô tả và lý giải sự vật. Đặc biệt, ông lưu ý đến những đối tượng của môn Sinh vật học. Vì theo ông, mô hình giải thích nhân quả cơ giới tỏ ra không đủ đối với những “sinh thể hữu cơ”. (Thật ra, bản thân Kant chưa dùng khái niệm “sinh thể hữu cơ”/Organismus mới ra đời từ thế kỷ XVII. Ông dùng chữ “thực thể có tổ chức”/organisiertes Wesen: §65). Kant viết: “Trong một sản phẩm-tự nhiên như thế, mỗi bộ phận không chỉ tồn tại là nhờ vào những bộ phận khác mà còn được suy tưởng như là tồn tại vì những bộ phận khác và vì cái toàn bộ, nghĩa là, tồn tại như một “dụng cụ” (một “cơ quan”). | Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ (…) mà là: những bộ phận của nó đều là những cơ quan tạo ra nhau một cách tương hỗ. | Điều này không bao giờ xảy ra đối với những “dụng cụ” được tạo tác mà chỉ với giới Tự nhiên cung cấp mọi chất liệu cho những “dụng cụ” ấy (…). | Chỉ có một dụng cụ thuộc loại ấy mới có thể được gọi là một mục đích tự nhiên, và, sở dĩ gọi thế vì nó là một thực thể được tổ chức và tự-tổ chức (…). Một thực thể có tổ chức không phải đơn thuần là một cái máy, vì máy chỉ có lực vận động, trong khi nó có lực kiến tạo trong chính mình (…)” (B292-293). Ví dụ điển hình cho một cái máy là chiếc đồng hồ, còn cho một sinh thể hữu cơ là một cái cây nào đó. Tuy đồng hồ cũng là một thực thể có tổ chức, trong đó các bộ phận quan hệ với nhau một cách hợp mục đích. Nhưng chỗ khác nhau cơ bản là: các bộ phận của đồng hồ không tự hình thành và sinh trưởng. Vậy, khái niệm “sinh thể hữu cơ” không chỉ có đặc điểm là tính có tổ chức mà còn là tính tăng trưởng, tính tự sinh sản và tính tự điều chỉnh. Xét theo giác độ ấy, cách mô tả mục đích luận tỏ ra không phải là vô bổ khi nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của cơ thể sống. Thậm chí, ở một đoạn khác, Kant còn nêu một luận điểm gây nhiều suy nghĩ cho đời sau: “… cũng chắc chắn để dám mạnh dạn nói rằng thật là phi lý cho con người chúng ta khi ta ra sức hay hy vọng sẽ có một Newton khác xuất hiện trong tương lai có thể làm cho ta hiểu rõ về sự sản sinh dù chỉ là của một cọng cỏ dựa theo các định luật tự nhiên mà không do một ý đồ nào đã sắp đặt cả; trái lại, ta buộc phải dứt khoát phủ nhận năng lực thấu hiểu này nơi con người” (B338). Lý do theo ông là vì: dù ta có hiểu biết đến đâu và không cần giả định một “ý đồ” nào hết, – thì “nhận định ấy vẫn là vượt khỏi sức con người, bởi vì: làm sao ta biết được như thế? [rằng không có một ý đồ nào hết] (nt). - Tuy nhiên, Kant giới hạn rất chặt chẽ yêu sách của mục đích luận. Ông khẳng định rằng, cần phải hiểu cách nói về các mục đích của tự nhiên chỉ là có tính “điều hành” (regulativ) mà thôi. Các khái niệm hay nguyên tắc “điều hành” hay “điều hướng" – khác về chất với các khái niệm hay nguyên tắc “cấu tạo” (konstitutiv) – chỉ khuyến khích hay như ta nên tìm hiểu về những đối tượng nhất định một cách cẩn trọng và toàn diện. Khi ta sử dụng khái niệm “mục đích tự nhiên” chỉ đơn thuần như là khái niệm điều hành, ta có quyền cho rằng có những sản phẩm tự nhiên mà ta chỉ có thể nhận thức được đầy đủ, nếu ta xuất phát từ giả thuyết rằng biết đâu có một Hữu thể có ý đồ đã sắp đặt và tạo ra chúng một cách có mục đích. Chỉ “giả định” thế thôi, vì biết đâu giả thuyết này, về sau, sẽ dẫn ta đến chỗ xác định được đối tượng dựa theo mô hình giải thích nhân quả cơ giới. Cho nên, sự mô tả mục đích luận chỉ là một phương tiện hỗ trợ nghiên cứu (heuristisch) [“Heuristik: xem chú thích *** cho B355] để tìm ra những giải thích nhân quả cơ giới. Chính những giải thích nhân quả-cơ giới chứ không phải các mô tả mục đích luận mới thực sự thuộc về hạt nhân của mọi lý thuyết khoa học. Chứ bản thân việc giải thích nhân quả bằng mục đích luận sẽ không mang lại điều gì hết, ngoại trừ một điều đã bị Kant chê trách và gọi là “lý tính biếng lười” (Phê phán lý tính thuần túy, B717). (1) Đào sâu về khái niệm “Mục đích luận” của Kant, có thể xem thêm P.McLaughhin: Kants Kritik der teleologischen Urteilskraft/Phê phán năng lực phán đoán mục đích luận của Kant, Bonn, 1989. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC